Các giai đoạn của tố tụng hình sự tại Việt Nam

Tố tụng hình sự là quá trình cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người, pháp nhân có hành vi vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Tố tụng hình sự là gì?

Tố tụng hình sự được hiểu là trình tự, thủ tục, cách thức các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và các cơ quan khác của Nhà nước tiến hành xem xét, đánh giá một hành vi có phải là vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật hình sự hay không, cũng như xem xét người thực hiện hành vi vi phạm đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.

Tố tụng hình sự giúp phát hiện chính xác, và xử lý nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đồng thời cũng giáo dục mọi công dân ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm.

Quy trình tố tụng hình sự theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015

Quy trình tố tụng hình sự thường sẽ có các giai đoạn cơ bản là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cũng như xem xét lại các bản án. Chi tiết:

Bước 1: Tiếp nhận nguồn tin về tội phạm

Đây là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động tố tụng. Cũng là căn cứ để tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo. Nguồn tin về tội phạm bao gồm: tố giác về tội phạm, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.

Thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Tuy nhiên, đối với các vụ việc có tình tiết phức, cần xác minh tại nhiều địa điểm khác nhau thì thời gian có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 02 tháng. Trường hợp cần thiết, vụ việc có thể được gia hạn một lần không quá 02 tháng.

Bước 2: Khởi tố vụ án hình sự

Sau khi kết thúc giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định: khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố vụ án, tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Tố giác của cá nhân, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm, người phạm tội tự thú.

Bước 3: Điều tra vụ án hình sự

Điều tra là giai đoạn rất quan trọng. Giai đoạn này bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố của cơ quan tiến hành tố tụng và kết thúc bằng kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố bị can trước Toà án hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án hình sự.

Theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị và Viện Kiểm sát ra Quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự theo quy định.

Các hoạt động điều tra vụ án hình sự sẽ bao gồm: Khởi tố bị can và hỏi cung bị can. Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng.

Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật. Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra. Giám định và định giá tài sản.

Khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc ra Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

Bước 4: Giai đoạn truy tố

Sau giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố gửi cùng hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát. Kết thúc, Viện Kiểm sát ra các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.

Bước 5: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang như quy định tại Điều 276 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, giai đoạn xét xử sơ thẩm được bắt đầu. Trình tự xét xử tại phiên tòa bao gồm: Bắt đầu chuẩn bị khai mạc, xét hỏi, tranh luận trước tòa, nghị án và tuyên án.

Khi kết thúc, hội đồng xét xử ra bản án hoặc các quyết định theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án các cấp như quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Bước 6: Xét xử phúc thẩm án hình sự

Theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Người có quyền kháng cáo xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là: Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Bước 7: Thi hành bản án và quyết định của Tòa án

Giai đoạn thi hành bản án và quyết định của Tòa án được thực hiện sau xét xử, khi bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Công việc này do Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định.

Việc thực hiện sẽ giao cho cơ quan thi hành án hình sự thực hiện nhằm bảo đảm cho bản án và quyết định có hiệu lực của Tòa án được thi hành một cách chính xác, kịp thời.

Trên đây là toàn bộ quá trình tố tụng hình sự tại Việt Nam. Việc nắm rõ các giai đoạn giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân khi tham gia quá trình tố tụng.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top