Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được áp dụng như thế nào?

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là một khía cạnh quan trọng trong hệ thống pháp luật. Nó đề cập đến việc tăng cường trách nhiệm pháp lý và trừng phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật.

Tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể được xác định thông qua những yếu tố như tính chất, mục đích và hậu quả của hành vi phạm tội. Nếu hành vi có tính chất đặc biệt nguy hiểm hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho cá nhân hoặc xã hội, trách nhiệm hình sự sẽ được tăng lên.

Mục lục ẩn
2 Áp dụng các tình tiết tăng nặng TNHS như thế nào?
2.2 Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là gì?

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là các tình tiết làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, là căn cứ để tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội (trong phạm vi một khung hình phạt) so với các trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết tăng nặng đó.

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định mức phạt cụ thể tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Tại Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về căn cứ quyết định hình phạt như sau:

– Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

– Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

Xem thêm: Quy định của pháp luật hình sự về tội cố ý gây thương tích

Tinh tiet tang nang
Tinh tiet tang nang

Áp dụng các tình tiết tăng nặng TNHS như thế nào?

Một số lưu ý khi áp dụng

– Các tình tiết đã được Bộ Luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

– Chỉ những tình tiết được liệt kê tại Khoản 1 Điều 52 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khi xét xử, Toà án không được xem các tình tiết khác là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

– Dù có nhiều tình tiết tăng nặng thì mức phạt đối với bị cáo cũng không được vượt quá khung hình phạt quy định đối với tội phạm đó.

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015

Phạm tội có tổ chức (Điểm a Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

“Phạm tội có tổ chức” là hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức).

Thực tiễn xét xử đặt ra yêu cầu phân biệt giữa phạm tội có tổ chức và những trường hợp đồng phạm khác. Nghị quyết 02-/HĐTP/NQ ngày 16/11/1988 (hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02-HĐTP ngày 05/01/1986) đã hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.

Nghị quyết nêu trên là văn bản hướng dẫn Bộ luật hình sự năm 1985 nhưng cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này. Về mặt lý luận, hướng dẫn này vẫn đang còn phù hợp và thực tế, các Toà án vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết này trong xét xử.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (Điểm b Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Là cố ý phạm tội từ 05 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án, đồng thời người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Khi áp dụng tình tiết tăng nặng này cần tham khảo hướng tại mục 5 Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP và khi áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” để giải quyết các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, cần lưu ý hướng dẫn tại mục 5 Thông tư liên tịch 02/2001/TTLTTANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (Điểm c Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

– Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

– Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

– Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Phạm tội có tính chất côn đồ (Điểm d Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Côn đồ là kẻ chuyên gây sự, hành hung, có những hành động ngang ngược, thô bạo. “Phạm tội có tính chất côn đồ” là trường hợp người phạm tội thể hiện sự hung hãn, manh động, bất chấp lý do, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.

Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của Toà án nhân dân tối cao giải thích “có tính chất côn đồ” là hành động của những tên “coi thường pháp luật, luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một nguyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.”

Phạm tội vì động cơ đê hèn (Điểm đ Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Xem thêm: Các Yếu Tố Cấu Thành Tội Phạm

Phạm tội vì động cơ đê hèn là phạm tội với động cơ đê tiện, thấp hèn, ích kỷ, thể hiện sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát.

Hiện nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về tình tiết tăng nặng “Phạm tội vì động cơ đê hèn” nhưng với tư cách là tình tiết định khung hình phạt thì “Phạm tội vì động cơ đê hèn” được hiểu trong một số tội phạm như sau:

Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự:

Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt

[…] 2. Vì động cơ đê hèn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 150 và điểm g khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội để trả thù; phạm tội để trốn tránh trách nhiệm của bản thân; phạm tội đối với người mà mình mang ơn hoặc những hành vi phạm tội khác thể hiện sự bội bạc, phản trắc.

Ví dụ: Nguyễn Văn A mang Nguyễn Thị C (là người yêu của A) đi bán cho người khác sau khi biết C có thai với mình.

Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn Bộ luật Hình sự năm 1999:

Điều 5. Về một số tình tiết định khung hình phạt

[…] 2. “Vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp phạm tội với động cơ đê tiện, thấp hèn, ích kỷ, thể hiện sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát. Người phạm tội nhằm mục đích trả thù, hoặc để khống chế nạn nhân và gia đình, người thân của nạn nhân phục vụ cho mưu đồ của mình.”

Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng (Điểm e Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng là quyết tâm thực hiện bằng được ý định phạm tội và hành vi phạm tội, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Cũng áp dụng tình tiết tăng nặng này nếu mục đích của người phạm tội không đạt, nhưng chứng minh được người phạm tội đang tìm mọi cách để thực hiện được tội phạm, đạt được mục đích phạm tội của mình.

Trường hợp người phạm tội có sự lưỡng lự, không dứt khoát thực hiện tội phạm thì không áp dụng tình tiết này.

Phạm tội 02 lần trở lên (Điểm g Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

“Phạm tội 02 lần trở lên” được hiểu là người phạm tội đã 02 lần trở lên thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật hình sự đối với cùng một tội, trong đó mỗi lần đều đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, nay các lần phạm tội đó được xét xử trong cùng một bản án. Trường hợp phạm tội 02 lần với 02 tội danh khác nhau thì sẽ bị xử lý hình sự về 02 tội khác nhau nên không thuộc trường hợp “phạm tội 02 lần trở lên” này.

Tinh tiet tang nang
Tinh tiet tang nang

Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (Điểm h Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

– Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

– Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Xem thêm: Người dưới 18 tuổi phạm tội thì bị xử lý như thế nào?

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên (Điểm i Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTP TAND Tối cao, “Phụ nữ có thai” được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai.

Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang có thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.

Chỉ áp dụng tình tiết “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên” đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên. Việc phụ thuộc vào nhận thức của bị cáo chỉ là bắt buộc khi được quy định rõ trong cấu thành của tội phạm.

Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác (Điểm k Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

“Người ở trong tình trạng không thể tự vệ được” là người trong tình trạng không thể chống cự được hoặc người bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

“Người khuyết tật nặng” là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc. Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng giám định y khoa thực hiện.

“Người khuyết tật đặc biệt nặng” là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn. Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng giám định y khoa thực hiện.

“Người bị hạn chế khả năng nhận thức” được hiểu là người không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự.

“Người lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác” là người có mối quan hệ với người phạm tội, nhưng bị lệ thuộc vào người phạm tội về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác.

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (Điểm l Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

“Tình trạng chiến tranh” là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế.

“Tình trạng khẩn cấp” được quy định chung là khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

“Thiên tai” là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

“Dịch” là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.

“Những khó khăn đặc biệt khác của xã hội” được hiểu là những khó khăn ngoài những khó khăn về chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh gây nên.

Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội (Điểm m Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

“Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội” là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người bị hại hoặc những người khác khó lường thấy trước được để đề phòng.

“Dùng thủ đoạn tàn ác để phạm tội” là trường hợp khi phạm tội người người phạm tội đã dùng những thủ đoạn thâm độc, tàn nhẫn.

Xem thêm: Án treo là gì? Khi nào thì được hưởng án treo?

Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội (Điểm n Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người là trường hợp khi phạm tội người phạm tội dùng thủ đoạn, phương tiện không chỉ nhằm xâm hại một người nào đó mà thủ đoạn phương tiện đó còn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người khác.

Thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện chỉ cần có khả năng gây nguy hại cho nhiều người đã bị coi là tình tiết tăng nặng mà không cần sự nguy hại đó, hậu quả có thực sự xảy ra hay không.

Thủ đoạn, phương tiện càng có khả năng gây nguy hại cho nhiều người thì mức tăng nặng hình phạt đối với người phạm tội càng nhiều.

Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội (Điểm o Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Xúi giục người chưa thành niên phạm tội là xui khiến, kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người chưa đủ 18 tuổi thực hiện tội phạm.

Khi áp dụng tình tiết này, có thể tham khảo hướng dẫn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Công văn số 3544/VKSTC-V14 ngày 07/8/2019 V/v trả lời thỉnh thị vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự.

Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm (Điểm p Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015)

Hành động xảo quyệt, hung hãn là hành động thâm hiểm, khó mà lường thấy trước được hoặc là hành động dữ tợn, phá phách, đánh giết người nhằm trốn tránh, tẩu thoát hoặc để che giấu tội phạm.

Người phạm tội có hành động càng hung hãn, xảo quyệt thì mức tăng nặng hình phạt đối với họ càng nhiều.

Xem thêm: Trình Tự, Thủ Tục Xét Xử Phúc Thẩm Vụ Án Hình Sự

Việc hiểu và áp dụng đúng tình tiết tăng nặng là rất quan trọng. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của hệ thống pháp luật. Việc nắm vững kiến thức về tình tiết tăng nặng trong Bộ luật hình sự là một yêu cầu cần thiết cho các chuyên gia và những người làm việc trong lĩnh vực pháp lý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top