Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là quá trình xét xử lại một vụ án sau khi người tham gia tố tụng kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị Bản án sơ thẩm. Qua quá trình này, tòa án sẽ xem xét lại các bằng chứng, luận điểm trong Bản án của tòa án cấp sơ thẩm để đánh giá tính hợp lý và công bằng của bản án.
Xét xử phúc thẩm được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại điều 330 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về tính chất của xét xử phúc thẩm, có thể hiểu Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà Bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị hoặc kháng cáo, kháng nghị Quyết định sơ thẩm.
Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này.
Xem thêm: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự là gì?
Kháng cáo và kháng nghị theo quy định của pháp luật
Kháng cáo được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 là quyền của người tham gia tố tụng khi không đồng ý đối với Bản án, Quyết định mà Toà án đã tuyên hoặc ban hành trong thời hạn 15 ngày đối với Bản án sơ thẩm kể từ ngày tuyên án, đối với Quyết định thời hạn kháng cáo kháng nghị là 07 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định. Có thể kháng cáo quá hạn theo quy định tại điều 335 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
Kháng nghị là quyền của Viện kiểm sát khi không đồng ý đối với Bản án, Quyết định mà Toà án đã tuyên hoặc ban hành trong Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Người có quyền kháng cáo Bản án, Quyết định sơ thẩm
- Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo Bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
- Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
- Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần Bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần Bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần Bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
- Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà Bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Kháng nghị Bản án, Quyết định sơ thẩm của Viện kiểm sát
- Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị Bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
- Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có các nội dung chính:
- Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị;
- Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị;
- Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần Bản án, quyết định sơ thẩm;
- Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát;
- Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị.
Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng 2020
Thẩm quyền xét xử phúc thẩm
Theo quy định tại điều 344 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bao gồm:
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Theo quy định tại điều 346 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được quy định như sau:
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
- Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
- Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
- Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.
- Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
Thẩm quyền của hội đồng phúc thẩm đối với Bản án, Quyết định sơ thẩm
Bản án sơ thẩm
Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:
- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;
- Sửa bản án sơ thẩm;
- Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;
- đ) Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Quyết định sơ thẩm
Hội đồng phúc thẩm có quyền:
- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật;
- Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
- Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.
Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
Xem thêm: Quy trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế được thực hiện như thế nào?
Thủ tục xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
Thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm được quy định tại điều 354 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:
Bước 1: Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị. Bao gồm:
- Nhận hồ sơ kháng cáo, kháng nghị và thụ lý vụ án
- Giải quyết yêu cầu đề nghị trước khi mở phiên toà
- Thực hiện thủ tục bắt đầu phiên toà
Xem thêm: Trình Tự Thủ Tục Xét Xử Sơ Thẩm Vụ Án Hình Sự
Bước 2: Chủ toạ phiên toà hỏi người kháng cáo, hỏi Viện kiểm sát kháng nghị
- Chủ toạ phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
- Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
Bước 3: Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Bước 4: Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên án theo quy định tại điều 356, điều 357, điều 358, điều 359, điều 360 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
Thủ tục xét xử phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm
Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm được quy định tại điều 362 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:
Bước 1: Khi phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải triệu tập người kháng cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên họp. Trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành phiên họp.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án kèm theo quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
Bước 3: Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có).
- Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên họp và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định.