Quy định của pháp luật về bào chữa và người bào chữa? Các hướng bào chữa cơ bản trong vụ án hình sự?

Theo quy định của pháp luật tố tụng người bào chữa là người được bị can, bị cáo nhờ tham gia tố tụng với mục đích bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Vậy, những ai có thể tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa ? Các hướng bào chữa cơ bản trong vụ án hình sự bao gồm những gì? Tất cả sẽ được chúng tôi tư vấn cụ thể tại bài viết dưới đây:

Bào chữa là gì?

Theo quy định tại điều 16 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 có thể hiểu bào chữa là quyền của bị can, bị cáo được đưa ra các chứng cứ, lí lẽ, được đặt câu hỏi, được tranh luận trong giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử hoặc nhờ người bào chữa đại diện cho bị cáo trong một vụ án hình sự.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo trong vụ án theo quy định pháp luật tố tụng hình sự.

Người bào chữa là gì?

Theo khoản 17 điều 55, Điều 72 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về người tham gia tố tụng trong đó có sự công nhận người bào chữa là một trong những người có tư cách tham gia tố tụng. Người bào chữa được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người bào chữa phải có kiến thức sâu rộng về pháp luật và quy trình xử lý tố tụng. Đồng thời, họ cũng cần phải có khả năng thuyết phục và đàm phán để giúp bị cáo giảm nhẹ hình phạt hoặc được tuyên bố vô tội. Tuy nhiên, việc làm người bào chữa cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và tránh việc lạm dụng quyền lợi của khách hàng để đạt lợi ích cá nhân.

Xem thêm: Bào chữa hình sự là gì? Thủ tục đăng ký bào chữa hình sự

Quy định về người bào chữa theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự

Căn cứ theo quy định tại điều 72 người bào chữa được hiểu là người được bị can, bị cáo nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Điều kiện đối với người bào chữa

Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình. (khoản 3 điều 72 BLTTHS 2015)

Những người không được bào chữa

a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Quy định về bào chữa cho nhiều người hoặc nhiều người bào chữa cho một người.

a) Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau.

b) Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.

Luật sư bào chữa vụ án hình sự
Luật sư bào chữa vụ án hình sự

Xem thêm: Tha tù trước thời hạn là gì? Điều kiện tha tù trước thời hạn?

Các hướng bào chữa cơ bản trong vụ án hình sự

Hướng bào chữa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Bào chữa chuyển sang tội danh nhẹ hơn

Người bào chữa nghiên cứu hồ sơ, qua lời khai của bị can, bị cáo trong giai đoạn tố tụng nhằm mục đích đánh giá, phân tích hành vi xác định yếu tố không cấu thành tội phạm từ đó đưa ra quan điểm thuyết phục Hội đồng xét xử rằng tội danh và mức hình phạt Viện kiểm sát truy tố là chưa hợp lý.

VD: Trong một vụ án “giết người” cần xác định các yếu tố khách quan dẫn đến hành vi của người phạm tội từ đó làm căn cứ xác định lỗi thuộc mặt chủ quan để bào chữa sang tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” đối với tội danh trên cần xác định lỗi chủ quan thuộc về bị hại dẫn đến hành vi của người phạm tội; “Cố ý gây thương tích” trong trường hợp muốn chuyển tội danh sang “Cố ý gây thương tích” người bào chữa cần chứng minh yếu tố chủ quan của người phạm tội liên quan đến động cơ, mục đích, lỗi của chủ thể cùng với đó cần chứng minh yếu tố khách quan liên quan đến hậu quả của hành vi là chưa dẫn đến chết người.

Bào chữa chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn

Trong trường hợp Viện kiểm sát nhận định hành vi của người phạm tội thuộc một trong các tình tiết tăng nặng của điều luật, người bào chữa cần chứng minh việc hành vi của người phạm tội không đủ yếu tố, không đủ căn cứ cấu thành tình tiết tăng nặng đó.

VD: Trong vụ án đồng phạm tội “trộm cắp tài sản” VKS truy tố bị cáo tội danh “trộm cắp tài sản” với tình tiết tăng nặng “Có tổ chức”. Nhiệm vụ của người bào chữa lúc này cần xác định không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Bào chữa giảm nhẹ hình phạt

Theo quy định tại khoản 2 điều 54; Khoản 1 điều 51; Khoản 1 điều 65 Bộ Luật hình sự 2015 đối với hướng bào chữa giảm nhẹ hình phạt người bào chữa căn cứ các quy định trên nhằm xác định các tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội hoặc bào chữa cho người phạm tội được hưởng án treo theo quy định của pháp luật.

Hướng bào chữa không có tội

Bào chữa hành vi của người phạm tội không cấu thành tội phạm

Người bào chữa phân tích các chứng cứ từ đó tìm các căn cứ chứng minh tội danh Viện kiểm sát truy tố không cấu thành tội phạm do thiếu một hoặc nhiều yếu tố. Tuỳ từng vụ việc khác nhau người bào chữa tìm hướng bào chữa phù hợp nhất đối với vụ án:

– Người phạm tội không thoả mãn yếu tố khách quan trong cấu thành tội phạm tuy nhiên Viện kiểm sát vẫn truy tố

– Không thoả mãn yếu tố chủ thể (VD: Tội giao cấu với người với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi yêu cầu người phạm tội phải là người từ đủ 18 tuổi)

Bào chữa khi người phạm tội phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết, có sự kiện bất ngờ

Người bào chữa chứng minh việc người phạm tội thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 20, điều 22, điều 23 Bộ Luật Hình sự 2015

Bào chữa khi người phạm tội có chứng cứ ngoại phạm

Người bào chữa cần chứng minh tại thời điểm xảy ra vụ án hình sự bị cáo là thân chủ của mình có 1 hoặc nhiều chứng cứ ngoại phạm làm căn cứ đề nghị HĐXX tuyên vô tội cho bị cáo

Xem thêm: Thủ tục cấp visa cho người lao động tại Việt Nam 2020

Bào chữa trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Theo điều 280 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung việc của người bào chữa là chứng minh có các căn cứ nhằm yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung, cụ thể bao gồm:

a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật nàymà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

b) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;

c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sựquy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ.

Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát kèm theo hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó.

Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top