Xây Dựng Hành Lang Pháp Lý: Cơ Hội Đưa Tiền Điện Tử và Tài Sản Số Hợp Pháp Hóa Tại Việt Nam

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tiền điện tử và tài sản số đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có khung pháp lý chính thức cho các loại tài sản này, nhưng sự quan tâm và tham gia của người dân vào thị trường tiền điện tử ngày càng tăng. Việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho tiền điện tử và tài sản số không chỉ giúp bảo vệ nhà đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài chính số.

Theo báo cáo của Chainalysis cho thấy, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về mức độ quan tâm đến tài sản số, đứng thứ 3 toàn cầu về sử dụng các nền tảng giao dịch quốc tế và xếp thứ 6 về khối lượng giao dịch trên các nền tảng phi tập trung. Báo cáo này cho hay, hiện có 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản số và tổng giá trị thị trường vượt 100 tỷ USD, giao dịch tài sản số không chính thức đang tạo ra một nền kinh tế ngầm khổng lồ.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng khung pháp lý rõ ràng đang đặt ra nhiều thách thức, từ việc thất thu thuế, nguy cơ rửa tiền, đến các hành vi lừa đảo khiến người dân “tiền mất tật mang”. Vì vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý để tiền điện tử và tài sản số sớm có giá trị pháp lý tại Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội để đất nước tận dụng tiềm năng kinh tế số.

Thực trạng tiền điện tử và tài sản số tại Việt Nam

Tiền điện tử (electric money hay e-money) là khái niệm được định nghĩa chính thức tại nhiều văn bản luật của một số quốc gia và các tổ chức tài chính – tiền tệ quốc tế. Theo trang thông tin chính thức của Ủy ban châu Âu (European Commission – EC), tiền điện tử là “một giải pháp thay thế kỹ thuật số cho tiền mặt. Tiền điện tử cho phép người dùng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng tiền được lưu trữ trên thẻ, điện thoại hoặc qua internet”

Tại Việt Nam, dù Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định trong thông cáo năm 2017 rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ hợp pháp hay phương tiện thanh toán được công nhận, thực tế cho thấy các giao dịch tiền điện tử vẫn diễn ra phổ biến. Theo các báo cáo nghiên cứu và thống kê, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người sở hữu tài sản số và hằng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được đổ vào Việt Nam. Ngoài ra, theo báo cáo của Chainalysis, trong năm 2023, các nhà đầu tư tiền điện tử tại Việt Nam đã thu về lợi nhuận 1,18 tỷ USD, đứng thứ ba toàn cầu sau Mỹ và Anh. Những con số này cho thấy sự phổ biến và mức độ tham gia cao của người Việt Nam trong lĩnh vực tiền điện tử, bất chấp các quy định pháp lý hiện hành.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền điện tử hay tài sản số. Theo Bộ luật Dân sự 2015, tài sản được quy định tại Điều 105 bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, nhưng không đề cập đến các dạng tài sản kỹ thuật số. Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt chỉ công nhận tiền điện tử gắn với tiền pháp định, như ví điện tử Momo hay thẻ ngân hàng, chứ không bao gồm tiền mã hóa phi tập trung. Điều này dẫn đến khoảng trống pháp lý, khiến các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm soát và thu thuế từ các hoạt động liên quan đến tài sản số.

Ví dụ, Tập đoàn Sky Mavis, một kỳ lân công nghệ của Việt Nam với hệ sinh thái game Axie Infinity dựa trên Blockchain, đã đạt giá trị hàng tỷ USD nhưng phải đặt trụ sở tại Singapore do thiếu khung pháp lý tại Việt Nam. Điều này cho thấy, dù tiềm năng kinh tế từ tài sản số là rất lớn, sự chậm trễ trong việc xây dựng hành lang pháp lý đang khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Nhận thức được vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết thí điểm để quản lý tài sản ảo, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 13/3/2025. Việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số không chỉ giúp quản lý hiệu quả hơn mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Tác động của việc thiếu khung pháp lý

Sự thiếu vắng khung pháp lý không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý mà còn tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Thứ nhất, Nhà nước đang thất thu một nguồn thuế đáng kể. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các quốc gia không có quy định pháp lý về tài sản số như Việt Nam có thể chịu thiệt hại lên tới 7,8% GDP mỗi năm do không tận dụng được nguồn thu từ thuế giao dịch tiền điện tử. Với GDP Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, con số thất thu có thể lên đến hàng chục tỷ USD.

Thứ hai, thiếu quy định pháp lý tạo khe hở cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, tài trợ khủng bố hay lừa đảo. Vụ án lừa đảo qua dự án tiền ảo iFan năm 2018, khiến hàng nghìn người bị lừa đảo với số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng, là một minh chứng rõ nét. Mặc dù hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015, việc chứng minh và truy cứu trách nhiệm gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý cụ thể.

Thứ ba, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Fintech và Blockchain, đang bị hạn chế phát triển. Nhiều công ty buộc phải đăng ký hoạt động tại nước ngoài như Singapore, nơi đã có khung pháp lý rõ ràng từ năm 2017 với Luật Dịch vụ Thanh toán, sau đó quay lại vận hành tại Việt Nam. Điều này không chỉ làm giảm lợi thế cạnh tranh mà còn khiến Việt Nam mất đi cơ hội trở thành trung tâm tài sản số trong khu vực.

Động thái gần đây của Chính phủ

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi tích cực nhằm xây dựng khung pháp lý cho tiền điện tử và tài sản số. Vào ngày 23/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Quyết định này giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, phối hợp xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo và tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, với thời hạn hoàn thành vào tháng 5/2025.

Gần đây hơn, vào ngày 01/03/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Chỉ thị này yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ khung pháp lý quản lý tài sản số và tiền kỹ thuật số ngay trong tháng 3/2025. Đồng thời, Chỉ thị nhấn mạnh việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thí điểm sàn giao dịch tiền số, cùng với việc định danh và định giá tài sản số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giảm rủi ro. Đây là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình pháp lý hóa lĩnh vực này.

Ngoài ra, các chuyên gia từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã đề xuất nghiên cứu áp dụng cơ chế sandbox để thành lập sàn giao dịch tài sản số, nhằm tránh tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội, đồng thời đóng góp giá trị cho đất nước. Họ cho rằng, nếu khung pháp lý được hoàn thiện sớm, giá trị tài sản truyền thống được mã hóa tại Việt Nam có thể đạt 16.000 tỷ USD vào năm 2030, chiếm 10% GDP toàn cầu.

Những động thái này cho thấy Chính phủ Việt Nam đang tích cực và quyết liệt trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho tiền điện tử và tài sản số, nhằm tận dụng tiềm năng kinh tế và giảm thiểu các rủi ro liên quan.

Một số gợi ý về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiền điện tử tại Việt Nam

Để phát triển và hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến tiền điện tử cũng như tài sản số, Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia đã xây dựng khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này. Hiện nay, nhiều quốc gia công nhận tài sản số đều thực hiện quản lý thông qua các cơ chế như: (1) chính sách thuế; (2) các tiêu chuẩn về phòng, chống rửa tiền (AML) và tài trợ khủng bố (CFT); (3) bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (4) cơ chế cấp phép cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản số. Trên cơ sở đó, có thể xem xét một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ bản chất pháp lý của tiền điện tử và tài sản số nhằm tạo nền tảng cho việc ban hành các quy định chi tiết về quản lý, giao dịch và sở hữu loại tài sản này. Một trong những giải pháp phù hợp là bổ sung các quy định về tài sản số vào Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Do sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc liệt kê danh sách các loại tài sản số có thể không bao quát hết các dạng tài sản mới trong tương lai. Vì vậy, việc xây dựng một định nghĩa pháp lý dựa trên đặc điểm của tài sản số, kết hợp với phân loại tài sản và quy định về quyền sở hữu, giao dịch có thể là một phương án phù hợp. Việt Nam có thể tham khảo nguyên tắc của Unidroit năm 2023 để xây dựng khung pháp lý linh hoạt, đồng thời tạo cơ sở cho các chính sách thuế áp dụng đối với giao dịch tài sản số.

Thứ hai, về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố: Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) đã đưa ra các khuyến nghị về kiểm soát tài sản ảo nhằm ngăn chặn nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Nhiều quốc gia đã yêu cầu các sàn giao dịch tài sản số phải áp dụng quy trình xác minh danh tính (KYC) và giám sát giao dịch nhằm kiểm soát các hoạt động đáng ngờ. Theo đó, Việt Nam cần thiết lập các cơ chế giám sát đối với nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, xây dựng hệ thống cảnh báo giao dịch đáng ngờ và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền xuyên biên giới.

Thứ ba, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần thiết lập các tiêu chuẩn bảo mật và an toàn thông tin đối với các hệ thống phát hành, lưu trữ tài sản số, đồng thời quy định rõ quyền lợi của người dùng như quyền truy cập lịch sử giao dịch, quyền yêu cầu sao kê thanh toán và cơ chế giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, cần có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là việc sử dụng tiền điện tử trong các giao dịch phi pháp.

Thứ tư, về quản lý hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản số: Ở một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Philippines, các sàn giao dịch tiền điện tử phải được cấp phép hoạt động và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý. Các quy định thường bao gồm yêu cầu về báo cáo giao dịch đáng ngờ, bảo vệ tài sản của khách hàng và tuân thủ quy tắc phòng, chống rửa tiền. Đối với Việt Nam, cần nghiên cứu và xây dựng cơ chế quản lý tương ứng nhằm bảo đảm tính minh bạch tài chính, bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng và ngăn chặn các hành vi lạm dụng trong lĩnh vực tài sản số.

Tiền điện tử và tài sản số không còn là xu hướng mà đã trở thành thực tế tại Việt Nam, với hàng triệu người tham gia và giá trị giao dịch hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp Nhà nước quản lý hiệu quả, tăng nguồn thu ngân sách, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ phát triển, đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài sản số khu vực. Với các động thái tích cực từ Chính phủ trong năm 2025, cùng sự đồng thuận từ cộng đồng và chuyên gia, hy vọng tiền điện tử và tài sản số sẽ sớm được pháp lý hóa, mở ra một kỷ nguyên mới cho kinh tế số Việt Nam.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top