Quy định pháp luật về trình tự xét xử giám đốc thẩm vụ án Hình sự

Giám đốc thẩm vụ án hình sự là gì?

Theo quy định tại Điều 370 BLTTHS năm 2015, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Trình tự xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự được hiểu là giai đoạn tòa án cấp trên xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Xem thêm:  Thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự năm 2024

Trình tự xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự

Căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 372 BLTTHS năm 2015)

Có 3 căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

– Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

–  Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Thủ tục tiếp nhận thông báo, chuyển hồ sơ vụ án để xem xét và quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 375, 376 BLTTHS năm 2015)

Khi nhận được thông báo bằng văn bản thì toà án, viện kiểm sát phải vào sổ nhận thông báo.

Khi người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trình bày trực tiếp về vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì toà án, viện kiểm sát phải lập biên bản; nếu người thông báo cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì toà án, viện kiểm sát phải lập biên bản thu giữ.

Biên bản được lập theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự. Toà án, viện kiểm sát đã nhận thông báo, lập biên bản phải gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết.

Chuẩn bị phiên tòa giám đốc thẩm (Điều 284 BLTTHS năm 2015)

Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán là thành viên Hội đồng giám đốc thẩm làm bản thuyết trình về vụ án.

Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị.

Bản thuyết trình và các tài liệu có liên quan phải gửi cho các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.

Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm (Điều 386 BLTTHS năm 2015)

– Sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên toà, một thành viên hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp viện kiểm sát kháng nghị thì kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.

– Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.

– Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

– Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên toà giám đốc thẩm tranh tung về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án

– Các thành viên hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.

Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm (Điều 388 BLTTHS)

Hội đồng giám đốc thẩm ra một trong những quyết định sau:

– Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.

–  Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.

– Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

– Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top