Đối phó với các tranh chấp kinh doanh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ xảy ra phổ biến và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các bên bị ảnh hưởng nếu không được xử lý kịp thời và đúng quy trình.

Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

Quyền tác giả: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền liên quan đến tác giả: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Quyền sở hữu công nghiệp: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Quyền đối với giống cây trồng: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Các biện pháp đối phó với các tranh chấp kinh doanh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ

Có thể nhận thấy, việc chủ thể chọn ra các phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ cũng chịu không ít ảnh hưởng dựa trên những ưu, nhược điểm của mỗi phương thức. Cụ thể:

1. Thương lượng giữa các bên

Trước khi đưa ra các biện pháp pháp lý, thương lượng luôn là bước đầu tiên mà các bên có thể lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không có sự trợ giúp của bên thứ ba. Với ưu điểm là thuận tiện, đơn giản, linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém, thương lượng là hình thức được đa số các chủ thể lựa chọn để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, hình thức này đề cao tính tự nguyện của các bên của các bên tranh chấp và không mang tính cưỡng chế. Cuộc thương lượng có thành công hay không phụ thuộc vào thiện chí, thái độ của các bên tham gia. Bên cạnh đó, kết quả của cuộc thương lượng cũng phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên có nghĩa vụ thi hành chứ không có tính bắt buộc phải thực hiện.

Vì vậy, trên thực tế, dễ xảy ra trường hợp các bên không thể thỏa thuận, thương lượng được với nhau và lại phải tìm đến các hình thức giải quyết có sự tham gia của một bên khác.

2. Hòa giải giữa các bên do một cơ quan tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp lựa chọn hình thức hòa giải cũng như số lượng trung tâm hòa giải ra đời có xu hướng gia tăng. Tranh chấp chỉ được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Tương tự như thương lượng, hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp mang tính linh hoạt với thủ tục đơn giản và giúp cho các bên tiết kiệm được thời gian, chi phí.

Việc giải quyết tranh chấp dựa trên nghiên cứu và kết quả của một bên thứ ba là hòa giải viên thương mại có đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật cũng giúp đảm bảo được tính khách quan và tính khả thi của kết quả hòa giải. Vì vậy, khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này, các bên sẽ được đảm bảo về tính khả thi của phương án giải quyết tranh chấp.

3. Giải quyết tại Trọng tài

Tương tự như hòa giải, tranh chấp giữa các bên chỉ được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Hình thức này được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn bởi thủ tục tố tụng của trọng tài đơn giản và linh hoạt hơn nhiều so với thủ tục tố tụng tại Tòa án. Đặc biệt, phán quyết của trọng tài thường có độ chính xác, khách quan cao và mang tính “chung thẩm”.

Tuy nhiên, cũng chính vì tính chung thẩm của phán quyết trọng tài mà trên thực tế, có nhiều trường hợp thời gian giải quyết tranh chấp bị kéo dài, gây tốn kém chi phí và thời gian cho các bên tranh chấp. Muốn hủy phán quyết trọng tài, một trong các bên tranh chấp phải gửi đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài lên Tòa án. Thủ tục xem xét căn cứ hủy phán quyết trọng tài của Tòa phải diễn ra theo trình tự, thủ tục và thời hạn do Luật quy định để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Nhìn chung, việc thi hành phán quyết của trọng tài không phải lúc nào cũng thuận lợi, trong khi thủ tục hủy phán quyết trọng tài có phần phức tạp. Đây chính là hạn chế của hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

4. Giải quyết tại Tòa án

Với vai trò là cơ quan nhà nước có trách nhiệm xử lý các vụ việc liên quan tới xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án không chỉ giúp các chủ thể đưa ra phương án giải quyết có tính cưỡng chế cao mà còn góp phần giúp cho các chủ thể kinh doanh nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án hiện nay lại gây ra nhiều khó khăn cho các chủ thể.

Thứ nhất: Tòa án với nguyên tắc xét xử công khai sẽ khiến cho các chủ thể nảy sinh tâm lý e ngại, bởi họ không được đảm bảo về bí mật thông tin.

Thứ hai: Thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa án thường kéo dài, chi phí lớn gây tốn kém cho các chủ thể.

Thứ ba: Liên quan tới vấn đề xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra, trên thực tế, rất khó để xác định chính xác mức độ thiệt hại, bởi các thiệt hại về tinh thần như tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng. Vì vậy, khi giải quyết những vấn đề này, Tòa án đã gặp phải không ít khó khăn.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top