Tội hủy hoại rừng bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Trong những năm gần đây, để phát triển kinh tế, nhiều địa phương, người dân đã tìm cách để lấn rừng, phá rừng làm kinh tế. Tuy nhiên, việc làm đó cũng để lại hậu quả nặng nề cho môi trường và đời sống con người. Cũng chính điều đó nên Bộ luật Hình sự, các luật liên quan khác và văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ về tội hủy hoại rừng nhằm kiểm soát hoạt động phá rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Hủy hoại rừng là hành vi phạm pháp?

Theo khoản 1, khoản 4 Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định các hành vi chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật, hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng là các hành vi bị nghiêm cấm.

Đồng thời, hành vi hủy hoại rừng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Nếu tính chất và mức độ hủy hoại nghiêm trọng vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nạn phá rừng Amazon ở Brazil chạm kỷ lục mới trong 6 tháng đầu năm

Trách nhiệm hình sự đối với tội hủy hoại rừng được quy định như thế nào?

Hiện nay, tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm là cá nhân có sự khác biệt so với tội phạm là pháp nhân thương mại, cụ thể như sau:

Đối với cá nhân phạm tội hủy hoại rừng:

Khung 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
  • Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
  • Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
  • Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
  • Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
  • Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
  • Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Xem thêm: Uống rượu bia gây tai nạn giao thông: Pháp luật hình sự xử lý thế nào?

Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm 

Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người có hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có tổ chức;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Tái phạm nguy hiểm;
  • Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
  • Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
  • Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
  • Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
  • Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
  • Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm 

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
  • Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;
  • Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;
  • Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
  • Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
  • Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung:

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội hủy hoại rừng còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC

Đối với pháp nhân phạm tội hủy hoại rừng:

Theo khoản 5 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, pháp nhân thương mại phạm tội hủy hoại rừng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt như sau:

  • Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
  • Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
  • Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
  • Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội hủy hoại rừng còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân phạm tội hủy hoại rừng có lên đến 15 năm tù. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này, mức hình phạt cao nhất là bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top