Tội đánh bạc là một hành vi vi phạm pháp luật mà người chơi tham gia vào các hoạt động cá cược với mục đích kiếm lợi nhanh chóng bằng cách đặt cược tiền bạc hoặc tài sản có giá trị vào các trò chơi may rủi. Đánh bạc không chỉ gây hại cho cá nhân mà còn ảnh hưởng xấu đến xã hội và gia đình.
Tội đánh bạc được hiểu như thế nào?
Tội đánh bạc được hiểu là hành vi tham gia trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kì hình thức nào như: Xóc đĩa, phỏm, bầu cua, chắn, tam cúc, số đề, cá cược đá gà, cá cược đua xe, trò chơi điện tử,… một cách trái pháp luật. Đối tượng của hành vi đánh bạc có thể là tiền, vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản.
Theo quy định tại điều 321 Bộ Luật hình sự 2015 có thể hiểu đánh bạc là hành vi tham gia trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kì hình thức nào mà không được sự cho phép, cấp phép hoạt động hoặc thực hiện không đúng với nội dung được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Xem thêm: Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng
Tội đánh bạc theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015
Tội đánh bạc theo điều 321 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 được quy định như sau:
Điều 321. Tội đánh bạc
Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Xem thêm: Tư vấn – Giải quyết vụ việc vi phạm bản quyền quốc gia & quốc tế
Dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc
Dấu hiệu khách quan:
Tội phạm được thể hiện ở hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật. Hành vi đánh bạc được biểu hiện dưới bất cứ hình thức nào tham gia trò chơi được thua bằng tiền hoặc dùng hiện vật để gán nợ, hiện vật có thể là vàng bạc, đá quý, xe máy, ô tô,…
Các hình thức đánh bạc có thể là đánh bài, chắn, xóc đĩa, cá độ bóng đá, trò chơi điện tử,…
Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi có một trong những điều kiện sau:
– Số tiền, hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên
– Số tiền, hiện vật có giá trị dưới 5.000.000 đồng đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại điều 322 của bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại điều 322 của bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Dấu hiệu chủ quan:
Tội đánh bạc được thể hiện dưới hình thức lỗi cố ý, nhằm thu lợi bất chính
Dấu hiệu chủ thể:
Đối với chủ thể của tội đánh bạc không thuộc chủ thể đặc biệt quy định tại khoản 2 điều 12 Bộ luật hình sự 2015 nên đối với tuổi chịu trách nhiệm hình sự của tội đánh bạc là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Trong trường hợp tổng số tài sản dùng để đánh bạc không lớn thì người có hành vi hành đánh bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc theo quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội này tại Bộ luật hình sự 2015, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.
Dấu hiệu khách thể:
Tội đánh bạc xâm phạm vào trật tự công cộng, xâm phạm trực tiếp đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội.
Tóm lại, đối với tội đánh bạc chỉ đặt ra hình phạt tù trong trường hợp:
Tổng số tiền tham gia trò chơi được thua trên 5.000.000 đồng. Nếu số tiền dưới 5.000.000 đồng người đánh bạc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Dưới 5.000.000 đồng khi đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại điều 322 của bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại điều 322 của bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.