Điều kiện và thủ tục rút đơn khởi kiện trong tố tụng dân sự

Trong quá trình tố tụng dân sự, nguyên đơn có quyền rút đơn khởi kiện nếu không muốn tiếp tục theo đuổi vụ kiện vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, việc rút đơn khởi kiện phải tuân theo các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và tính nghiêm minh của tố tụng.

Rút đơn khởi kiện trước giai đoạn thụ lý vụ án trong tố tụng dân sự

Khoản 2 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Căn cứ theo điểm g khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015: “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện”, thì Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện. Như vậy ở giai đoạn trước khi thụ lý vụ án mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì được trả lại đơn và trong trường hợp này do Thẩm phán được phân công thực hiện.

Theo đó, khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao chụp và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu (Khoản 2 Điều 192 BLTTDS 2015).

Rút đơn khởi kiện sau khi thụ lý vụ án trong tố tụng dân sự

Tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thụ lý vụ án như sau:

“Điều 195. Thụ lý vụ án

1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.”

Như vậy, theo quy định này thì việc thụ lý vụ án phụ thuộc vào thời điểm người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án (nhưng phải trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa về nộp tiền tạm ứng án phí).

Kể từ ngày giai đoạn thụ lý thì trong 3 ngày làm việc tiếp theo, Chánh án Tòa án sẽ quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Theo đó các bên sẽ trải qua các giai đoạn như: Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có) theo Điều 199 BLTTDS 2015; Bị đơn thực hiện quyền phản tố đối với yêu cầu của nguyên đơn Theo Điều 200 BLTTDS 2015; Người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập theo Điều 201 BLTTDS 2015; Tòa án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định tại Điều 205, Điều 208 BLTTDS 2015….

Kể từ giai đoạn này cho đến trước khi xét xử, thì việc rút đơn khởi kiện của đương sự sẽ được Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án theo Điểm c, khoản 1 Điều 217 BLTTDS: “Người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện”. Theo đó, khi Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192 BLTTDS, điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối với trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại giai đoạn sau thụ lý đến trước khi xét xử sơ thẩm thì người khởi kiện vẫn có quyền nộp đơn khởi kiện lại.

Rút đơn khởi kiện trong giai đoạn đang xét xử sở thẩm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 220 BLTTDS 2015 thì: Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Tại Giai đoạn đang xét xử sơ thẩm thì căn cứ theo khoản 2 Điều 244 BLTTDS 2015: “Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”

Khi đó, căn cứ theo Điều 245 BLTTDS 2015 về thay đổi địa vị tố tụng thì:

– Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.

– Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

Ngoài ra, tại giai đoạn đang xét xử sơ thẩm, Chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi các đương sự có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không; trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thoả thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 213 của BLTTDS 2015 (Điều 246 BLTTDS 2015).

Rút đơn khởi kiện trong giai đoạn trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm

Theo quy định tại Điều 299 BLTTDS:

“1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;

b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Bộ luật này quy định.”

Như vậy, nếu bị đơn đồng ý chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì Hội đồng xét xử ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục chung do BLTTDS quy định.

Việc rút đơn khởi kiện là quyền của nguyên đơn nhưng cần thực hiện đúng quy trình và cân nhắc kỹ lưỡng hậu quả pháp lý. Việc hiểu rõ điều kiện và thủ tục rút đơn khởi kiện giúp đương sự đưa ra quyết định phù hợp, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để đảm bảo quyền lợi và tránh rủi ro pháp lý, đương sự nên tham khảo ý kiến của luật sư tư vấn trước khi quyết định rút đơn khởi kiện.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top