Lưu ý về thủ tục giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài

Vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài là những tranh chấp mà ít nhất một bên đương sự là cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc tranh chấp liên quan đến tài sản ở nước ngoài. Việc giải quyết loại vụ án này tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Những quy định chung về giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài

Nguyên tắc giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài

Việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phải trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ quốc tế; bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi.

Tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các bên đương sự. Khi tham gia tố tụng dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài có quyền, nghĩa vụ tố tụng như công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam.

Ngoài ra, việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phải trên cơ sở tôn trọng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với các nước có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phải tuân theo các quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết. Đối với các nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc thụ lý giải quyết sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam (Điều 2 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài

Theo Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau:

– Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

– Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;

– Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

– Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

– Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;

– Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

Xác định năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài

Theo Điều 466 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đương sự là công dân nước ngoài thì năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người đó được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân. Tuy nhiên, đối với người có hai hay nhiều quốc tịch, người không quốc tịch thì việc xác định năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được thực hiện như sau:

– Trường hợp người nước ngoài là người không quốc tịch thì theo pháp luật của nước nơi người đó cư trú; nếu người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thì theo pháp luật Việt Nam;

– Theo pháp luật của nước nơi người nước ngoài có quốc tịch và cư trú tại một trong các nước mà họ có quốc tịch nếu họ có nhiều quốc tịch nước ngoài.

Trường hợp người nước ngoài có nhiều quốc tịch và cư trú ở nước mà không cùng với quốc tịch của nước đó thì theo pháp luật của nước nơi người nước ngoài có thời gian mang quốc tịch dài nhất;

– Theo pháp luật Việt Nam nếu người nước ngoài có nhiều quốc tịch và một trong quốc tịch đó là quốc tịch Việt Nam hoặc người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú tại Việt Nam.

Việc giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài

Người khởi kiện, người yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phải làm đơn gửi đến tòa án có thẩm quyền. Đơn khởi kiện phải có các nội dung theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đơn yêu cầu phải có các nội dung theo quy định tại Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Người khởi kiện, người yêu cầu phải gửi kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình. Tòa án thụ lý vụ việc dân sự hay trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo các quy định tại Chương XII, Chương XXIII Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Ngoài các trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại các chương này, tòa án Việt Nam còn trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trong những trường hợp quy định tại Điều 472 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Nếu sau khi thụ lý, mà phát hiện có các căn cứ quy định tại Điều 472 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự. Theo Điều luật này thì tòa án Việt Nam sẽ trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp đã có thoả thuận trọng tài, thoả thuận lựa chọn tòa án nước ngoài hoặc đã có tòa án nước ngoài, trọng tài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết hoặc đương sự được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.

Giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật trong nước và quốc tế. Việc tuân thủ đúng thủ tục tố tụng giúp đảm bảo quyền lợi của các bên và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp. Các cá nhân, tổ chức nên tìm kiếm luật sư tư vấn để đảm bảo quy trình thực hiện đúng pháp luật và tránh các rủi ro không đáng có.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top