Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này thay thế các quy định trước đây, điều chỉnh các nguyên tắc, điều kiện và chế tài liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên cả nước.
Những điểm mới quan trọng trong Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy học thêm 2025
1. Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ:
“Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”
Như vậy, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ, giúp học sinh cải thiện.
2. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền
Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ:
“Dạy thêm, học thêm trong nhà trường
1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
…”
Như vậy, Dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng nêu trên và phải viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp. Quy định này là điểm mới so với Điều 7 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về thu và quản lý tiền học thêm.
3. Quy định cụ thể 3 trường hợp được dạy thêm, học thêm trong nhà trường
Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
- Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
- Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
- Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Điều kiện: 03 nhóm đối tượng trên phải viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp.
4. Dạy thêm ở ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh
Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ:
“Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
…”
Như vậy, dạy thêm ở ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.
5. Dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng
Tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).”
6. Điều kiện của giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường
Tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ: “Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.”
7. Dạy thêm thu tiền phải đóng thuế
Tại Điều 7 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ:
“Thu và quản lí tiền học thêm
1. Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
3. Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.”
Dạy thêm ngoài nhà trường phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, do đó, sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và các quy định khác.
8. Quy định về xếp giờ dạy thêm và thời khóa biểu dạy thêm, không được dạy thêm trước nội dung trên lớp
Tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ:
“Dạy thêm, học thêm trong nhà trường
…
4. Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:
a) Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;
b) Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;
c) Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.
…”
9. Dạy thêm, học thêm không ép buộc học sinh
Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ: “Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.”
10. Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm
Tại Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm như sau:
- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Tác động của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đối với các cơ sở dạy thêm, học thêm
Ảnh hưởng đến các trung tâm dạy thêm
Với các điều kiện siết chặt hơn, nhiều trung tâm dạy thêm, học thêm sẽ phải điều chỉnh mô hình hoạt động để tuân thủ quy định mới. Một số cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện sẽ buộc phải đóng cửa hoặc tìm phương án thay thế.
Tuy nhiên, các trung tâm có cơ sở vật chất đầy đủ, giáo viên đạt chuẩn sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút học sinh và phụ huynh tin tưởng hơn.
Ảnh hưởng đến giáo viên
Giáo viên đang giảng dạy trong hệ thống giáo dục công lập sẽ gặp nhiều hạn chế hơn trong việc tổ chức dạy thêm ngoài trường học. Điều này có thể ảnh hưởng đến thu nhập của một số giáo viên, nhưng đồng thời giúp hạn chế tình trạng dạy thêm trái phép.
Những giáo viên muốn tiếp tục dạy thêm hợp pháp sẽ cần chuyển sang các trung tâm được cấp phép hoặc đăng ký hoạt động độc lập theo quy định.
Ảnh hưởng đến học sinh và phụ huynh
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT tạo điều kiện để học sinh giảm bớt áp lực học thêm không cần thiết, đảm bảo quyền lợi của phụ huynh khi có nhu cầu cho con học thêm.
Phụ huynh cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn với các trung tâm dạy thêm đạt chuẩn, không còn lo lắng về vấn đề lạm thu hay dạy thêm không hiệu quả.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm, đảm bảo công bằng cho học sinh và giáo viên. Với những quy định mới, các cơ sở dạy thêm sẽ cần tuân thủ nghiêm ngặt hơn, trong khi phụ huynh và học sinh sẽ có nhiều quyền lợi hơn.
Việc được tư vấn pháp lý để hiểu rõ và thực hiện đúng quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT không chỉ giúp tránh rủi ro pháp lý, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Nếu bạn là giáo viên, phụ huynh hay người quản lý trung tâm giáo dục, hãy cập nhật ngay các quy định mới để đảm bảo hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra đúng pháp luật và hiệu quả.