Quy định của pháp luật về trình tự phúc thẩm vụ án Hình sự

Vụ án hình sự và trình tự phúc thẩm vụ án hình sự được hiểu như thế nào?

Vụ án hình sự là vụ việc vi phạm có dấu hiệu là tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự và được cơ quan có thẩm quyền ra lệnh khởi tố về hình sự để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo các trình tự, thủ tục đã được quy định ở Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trình tự xét xử phúc thẩm vụ án hình sự được hiểu là giai đoạn tòa án cấp trên trực tiếp (cấp xét xử thứ hai) của Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm đối với vụ án chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Quy định pháp luật về trình tự xét xử giám đốc thẩm vụ án Hình sự

Quy định của pháp luật về trình tự phúc thẩm vụ án hình sự

Chuẩn bị xét xử phúc thẩm

* Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Điều 346 BLTTHS 2015)

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 60 ngày đối với TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu; 90 ngày đối với TAND cấp cao, Tòa quân sự trung ương kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

Thời hạn nói trên gồm thời hạn ra quyết định cần thiết và thời hạn mở phiên tòa. Thời hạn Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm là 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương, kể từ ngày thụ lý vụ án. Thời hạn Tòa án mở phiên tòa phúc thẩm là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử

* Đình chỉ xét xử phúc thẩm (Điều 348 BLTTHS năm 2015)

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị.

Thẩm phán ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút trong trường hợp khi chuẩn bị xét xử, người kháng cáo rút một phần kháng cáo, viện kiểm sát rút một phần kháng nghị mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác.

* Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (Điều 346 BLTTHS năm 2015)

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong trường hợp có thể tiến hành xét xử và không có lý do đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Phiên tòa phúc thẩm (Điều 354 BLTTHS năm 2015)

Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành theo như phiên tòa sơ thẩm.

Cụ thể:

● Chuẩn bị khai mạc phiên tòa;

● Khai mạc phiên tòa;

● Giải quyết việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

● Cam đoan của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản: Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ;

● Cam đoan của người làm chứng, cách ly người làm chứng;

● Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt.
Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành như sau:

● Một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị;

● Chủ toạ phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo. Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.

● Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

● Ra quyết định không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án hình sự.

Xem thêm: 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top