Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, thời hiệu truy cứu là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của quá trình xử lý. Vì vậy, việc tìm hiểu và nắm rõ quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là rất cần thiết.
Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Truy cứu trách nhiệm hình sự là việc buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Hay nói cách khác là áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt.
Người có khả năng nhận thức được hành vi của mình, có khả năng điều khiển được hành vi đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Xem thêm: Người dưới 18 tuổi phạm tội thì bị xử lý như thế nào?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Theo khoản 1 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1.Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ý nghĩa của thời hiệu đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định nguyên tắc:
“Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”
Để thực hiện nguyên tắc này, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình phải chủ động đấu tranh chống tội phạm, thường xuyên có sự phối hợp để phát hiện kịp thời mọi hành vi phạm tội đồng thời xử lí những hành vi đó một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một số trường hợp vì lí do này hay lí do khác mà các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã bỏ quên một số hành vi phạm tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với những trường hợp này, nếu trong một thời gian nhất định người phạm đã tự hối cải, làm ăn lương thiện, không phạm tội mới, không trốn tránh sự trừng trị của pháp luật thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự là không cần thiết, bởi vì hành vi nguy hiểm cũng như bản thân người phạm tội lúc đó đã không còn nguy hiểm cho xã hội. Hơn nữa, việc truy cứu trách nhiệm hình sự lúc này sẽ không đạt được mục đích của hình phạt.
Do đó, quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có ý nghĩa giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần khẩn trương truy tìm, điều tra tội phạm và người phạm tội, đồng thời áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo đảm nguyên tắc mọi tội phạm đều phải được phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Bên cạnh đó, Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn có ý nghĩa phân biệt với thời hiệu thi hành án trong Bộ luật Hình sự và các thời hiệu khác được quy định trong các văn bản pháp luật khác như: thời hiệu khởi kiện dân sự, kinh tế, hành chính, lao động,…
Xem thêm: Quy định về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự
Quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định chi tiết tại Điều 27 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:
– Năm (05) năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
– Mười (10) năm đối với các tội phạm nghiêm trọng. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
– Mười lăm năm (15) đối với các tội phạm rất nghiêm trọng. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
– Hai mươi năm (20) đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Bên cạnh đó, không phải tội phạm nào cũng áp dụng thời hiệu. Cụ thể, tại Điều 28 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định những trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
– Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này.
– Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.
– Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
Xem thêm: Án treo là gì? Khi nào thì được hưởng án treo?
Tóm lại, để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến trách nhiệm hình sự, việc nắm rõ và tuân thủ quy định về thời hiệu truy cứu là rất cần thiết. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc vướng mắc nào trong quá trình này, người dân có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để được giải đáp và xử lý kịp thời.