Quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài

Hiện nay, việc đầu tư ra nước ngoài đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường nước ngoài để mở rộng quy mô kinh doanh, tiếp cận nguồn lực mới và tận dụng lợi thế cạnh tranh. Vậy quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài hiện nay là gì? Chi tiết tại bài viết dưới đây.

Thế nào là đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam?

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế có liên quan; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Xem thêm: Đầu tư đất nền dự án muốn thu hồi lại phải làm sao?

Các hình thức đầu tư ra nước ngoài

Nhà đầu tư có thể tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới một trong các hình thức sau:

  • Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
  • Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
  • Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
  • Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Nhà đầu tư cần lưu ý, để đầu tư ra nước ngoài với các hình thức kể trên, nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư vào các ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài sau:

  • Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư và các điều ước quốc tế có liên quan.
  • Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
  • Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Để đầu tư kinh doanh ra nước ngoài, đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư cần thỏa mãn các điều kiện riêng biệt được quy định đối với từng ngành nghề tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các ngành nghề này bao gồm:

  • Ngân hàng;
  • Bảo hiểm;
  • Chứng khoán;
  • Báo chí, phát thanh, truyền hình;
  • Kinh doanh bất động sản.

Xem thêm: Đề xuất các đối tượng và điều kiện được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (“OIRC”)

IRC: IRC (Investment Registration Certificate – Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) là giấy phép cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành kinh doanh thuộc danh mục đầu tư nước ngoài yêu cầu phê duyệt của Chính phủ.

Trong một số trường hợp nhất định, Nhà đầu tư muốn đầu tư ra nước ngoài phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại từ Điều 56 đến Điều 58 Luật Đầu tư 2020. Trường hợp không phải xin chấp thuận chủ trường đầu tư theo quy định của Luật đầu tư thì Nhà đầu tư tiến hành xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Để được cấp OIRC, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc đầu tư tại Luật Đầu tư.
  • Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài quy định tại cấm đầu tư của Luật này và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.
  • Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.
  • Có quyết định đầu tư ra nước ngoài (đối với doanh nghiệp nhà nước).
  • Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

Xem thêm: Cấp 11 mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử từ 01/01/2024 

Triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài

Mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài

Nhà đầu tư mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Nhà đầu tư có thể chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Đã được cấp OIRC (ngoại trừ trường hợp nhà đầu tư chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp OIRC để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư);
  • Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật nước sở tại không quy định việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư thì nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền đầu tư tại nước sở tại;
  • Có tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài.

Chuyển lợi nhuận về Việt Nam

Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày quyết toán thuế hằng năm, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam. Trường hợp sử dụng lợi nhuận để tăng vốn đầu tư, mở rộng kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư mới ra nước ngoài thì nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu được từ đầu tư ra nước ngoài để tái đầu tư.

Trường hợp nhà đầu tư không thể chuyển lợi nhuận và doanh thu về Việt Nam trong thời hạn quy định thì phải thông báo trước bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn gia hạn chuyển lợi nhuận về Việt Nam không quá 12 tháng, kể từ ngày hết thời hạn quy định nêu trên.

Trường hợp hết thời hạn nhưng nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về Việt Nam mà không thông báo trước hoặc hết thời hạn mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về Việt Nam, nhà đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài

Nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp sau đây:

  • Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký;
  • Tăng vốn đầu tư ra nước ngoài;
  • Thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.

Xem thêm: Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra?

Quy định báo cáo về hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ được nhà nước giám sát thông qua báo cáo của các nhà đầu tư. Sau khi được cấp OIRC, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư để thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Hiện nay, chế độ báo cáo của chủ đầu tư được thực hiện như sau:

  • Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận hoặc cấp phép theo quy định của pháp luật nước sở tại, nhà đầu tư phải nộp thông báo về việc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài kèm theo tài liệu chứng minh quyền đầu tư tại nước sở tại.
  • Nhà đầu tư gửi báo cáo hàng quý và hàng năm về tình hình hoạt động của dự án đầu tư của mình.
  • Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày có quyết toán thuế hoặc văn bản khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước sở tại, nhà đầu tư phải nộp báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư trong năm tài chính theo quy định của pháp luật nước sở tại cũng như bảng kê khai và quyết toán thuế.

Cuối cùng, khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại nơi thực hiện hoạt động đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề này để tránh rủi ro pháp lý trong quá trình đầu tư ra nước ngoài.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top