Một số điểm mới trong Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN

Ngày 30/11/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP (Sau đây gọi là “Thông tư 23” hoặc “Thông tư mới”). Thông tư số 23 có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 30/11/2023.

Một số nội dung chính trong Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN

Thông tư số 23 về cơ bản đã kế thừa quy định của các văn bản hiện hành với những thay đổi phù hợp với Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thời gian qua.

Thông tư mới cũng bổ sung các nội dung được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày 16/6/2022 giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết, bao gồm:

  • Quy trình xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký Sở hữu công nghiệp (SHCN) và việc sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế;
  • Quy định về các trường hợp hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ do văn bằng bảo hộ được cấp vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế và việc đăng ký nhãn hiệu được thực hiện với dụng ý xấu.Ngoài ra, một số nội dung đáng lưu ý trong Thông tư 23 có thay đổi so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như quy định rõ các trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ cần tiến hành thẩm định lại, quy định về khiếu nại nhằm bảo đảm phù hợp với pháp luật hiện hành về khiếu nại.

Xem thêm: Chương Trình Xây Dựng Luật, Pháp Lệnh Năm 2024

Một số điểm mới quan trọng trong Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN

Hướng dẫn cụ thể về thủ tục xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Điều 112 a Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022 cho phép trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong thời hạn quy định, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ.

Theo đó, điều 11 Thông tư 23 đã quy định chi tiết, rõ ràng thủ tục xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tạo thuận lợi cho cho Cục SHTT và người phản đối, người nộp đơn trong quá trình thực hiện thủ tục này.

Cụ thể như sau:

  1. Trường hợp ý kiến phản đối nộp theo đúng quy định, Cục SHTT tiếp nhận và thông báo ý kiến đó cho người nộp đơn, trong đó ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản, trừ trường hợp quy định tại mục 2 và 5 dưới đây.
  2. Trường hợp nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký bị phản đối trùng với nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ do bên phản đối đưa ra hoặc có cơ sở rõ ràng để kết luận nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ bị phản đối tương tự gây nhầm lẫn hoặc không tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ do bên phản đối đưa ra, Cục SHTT sẽ xử lý ý kiến phản đối trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.
  3. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của chủ đơn bị phản đối trong thời hạn quy định, nếu xét thấy cần thiết, Cục SHTT sẽ thông báo về ý kiến phản hồi cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người phản đối có ý kiến bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó.
  4. Trên cơ sở thông tin, chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp (nếu có) theo quy định tại mục 1 và 3 nêu trên hoặc/và kết quả đối thoại giữa các bên theo quy định tại mục 7 dưới đây và tài liệu có trong đơn, Cục SHTT xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.
  5. Trong trường hợp ý kiến của người phản đối liên quan đến quyền đăng ký, Cục SHTT thông báo để người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các trường hợp sau:
    – Có cơ sở rõ ràng để xác định về việc người nộp đơn không có quyền nộp đơn;
    – Ý kiến về quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đối với dấu hiệu là hoặc có chứa dấu hiệu là địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam.
  6. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục SHTT ra thông báo mà người phản đối không gửi cho Cục SHTT bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án thì Cục SHTT coi như người phản đối rút bỏ ý kiến phản đối và tiếp tục xử lý đơn như trường hợp không có ý kiến phản đối.
    Trường hợp Cục SHTT nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án từ người phản đối trong thời hạn nêu trên, Cục SHTT sẽ tạm dừng việc xử lý đơn để chờ kết quả giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Tòa án, việc xử lý đơn sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó.
  7. Cục SHTT tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người phản đối và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề nếu xét thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của cả hai bên.
  8. Thời hạn dành cho người nộp đơn và người phản đối phản hồi ý kiến không tính vào thời hạn dành cho Cục SHTT thực hiện các thủ tục liên quan.
  9. Ý kiến phản đối phải được làm bằng tiếng Việt. Tài liệu kèm theo ý kiến phản đối có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục SHTT yêu cầu.

Xem thêm: 11 Luật Có Hiệu Lực Từ Năm 2024

 

Quy định rõ tiêu chí xác định người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu

Ở Việt Nam, “dụng ý xấu” trong đăng ký là một cơ sở để có thể tiến hành hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp cho một chủ thể hoặc phản đối cấp bằng cho đơn đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiêu chí xác định “dụng ý xấu” trong đăng ký nhãn hiệu. Điều này đã gây nhiều khó khăn và tranh cãi trong quá trình đăng ký và thẩm định các hồ sơ nhãn hiệu.

Thông tư 23 đã quy định cụ thể trường hợp sau đây sẽ được xem là người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu:

  • Có căn cứ cho rằng, tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu mình đăng ký trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với một nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự.
  • Việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi hay nổi tiếng để thu lợi; hoặc chủ yếu nhằm mục tiêu bán lại, cấp phép hoặc chuyển giao quyền đăng ký cho người có các nhãn hiệu nêu trên; hoặc nhằm mục tiêu ngăn chặn khả năng gia nhập thị trường của người có các nhãn hiệu nêu trên để hạn chế cạnh tranh; hoặc các hành vi trái với tập quán thương mại lành mạnh khác.
    Quy định nêu trên được áp dụng trong việc hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cũng như trong quá trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu.

Trước đây, do pháp luật SHTT của Việt Nam thiếu các chế định cụ thể về “dụng ý xấu” nên nhiều chủ nhãn hiệu khi bị bên khác đăng ký mất nhãn hiệu đã gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong việc cung cấp các tài liệu chứng minh. Hệ quả là, nhiều chủ nhãn hiệu đã không thể lấy lại được nhãn hiệu hoặc phải mua lại nhãn hiệu của chính mình với cái giá rất đắt.

Việc có quy định rõ ràng về “dụng ý xấu” trong đăng ký nhãn hiệu giúp cho người nộp đơn, chủ nhãn hiệu có tiêu chí dựa vào để thu thập và cung cấp các tài liệu chứng minh cũng như cơ quan chức năng thống nhất, thuận tiện trong quá trình xử lý đơn cũng như huỷ bỏ hiệu lực văn bằng.

Xem thêm: Quốc Hội Sẽ Thông Qua 18 Luật Vào Năm 2024

Quy định cụ thể tiêu chí để xác định sáng chế được cấp vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung quy định về hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực bằng độc quyền sáng chế do Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt qua phạm vi đã bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế (Điều 96.2.đ).

Theo đó, Thông tư 23 đã quy định chi tiết như sau:

Văn bằng bảo hộ sáng chế vượt quá phạm vi đã bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế là trong các trường hợp so với bản mô tả ban đầu và đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng, bản mô tả sáng chế có sự thay đổi về nội dung và sự thay đổi này làm xuất hiện thông tin không có nguồn gốc trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu của đơn, cụ thể:

  • Trong quá trình sửa đổi, bổ sung đơn, người nộp đơn đưa vào bản mô tả dấu hiệu kỹ thuật hoặc các dấu hiệu kỹ thuật không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu;
  • Bổ sung thông tin (bao gồm: thông tin về mục đích, hiệu quả v.v.) không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ phần mô tả ban đầu (kể cả hình vẽ) và/hoặc yêu cầu bảo hộ ban đầu để bộc lộ rõ sáng chế hoặc bộc lộ đầy đủ yêu cầu bảo hộ;
  • Nội dung bổ sung vào bản mô tả là các dấu hiệu kỹ thuật liên quan đến thông số về kích thước thu được bằng cách đo thông số về kích thước trên các hình vẽ;
  • Đưa vào bản mô tả chi tiết hoặc thành phần bổ sung không được đề cập đến trong bản mô tả ban đầu của đơn mà điều này dẫn đến những hiệu quả và/hoặc tác dụng đặc biệt không có trong đơn ban đầu;
  • Bổ sung vào bản mô tả những hiệu quả và/hoặc tác dụng (lợi ích) mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không thể xác định được từ đơn ban đầu;
  • Thay đổi dấu hiệu kỹ thuật của yêu cầu bảo hộ mà dấu hiệu kỹ thuật thay đổi này không được bộc lộ hoặc không được xác định một cách trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu;
  • Đưa vào các nội dung mới bằng cách thay đổi các nội dung không xác định thành các nội dung xác định và cụ thể;
  • Kết hợp các dấu hiệu kỹ thuật riêng biệt của đơn ban đầu lại thành một dấu hiệu kỹ thuật mới trong khi mối quan hệ giữa các dấu hiệu kỹ thuật này không được bộc lộ trong đơn ban đầu;
  • Thay đổi một hoặc nhiều dấu hiệu kỹ thuật trong phần mô tả để làm cho các dấu hiệu kỹ thuật thay đổi khác với các dấu hiệu kỹ thuật nêu trong bản mô tả ban đầu;
  • Loại bỏ một dấu hiệu kỹ thuật ra khỏi điểm yêu cầu bảo hộ mà dấu hiệu kỹ thuật này là cần thiết đối với đối tượng yêu cầu bảo hộ để đạt được mục đích đề ra và/hoặc việc loại bỏ dấu hiệu kỹ thuật này làm thay đổi dấu hiệu kỹ thuật hoặc (các) dấu hiệu kỹ thuật khác.

Xem thêm: 03 Luật Chính Thức Có Hiệu Lực Từ Ngày 1/1/2024

Quy định cụ thể các trường hợp thẩm định lại đơn đăng ký SHCN

Trước đây, việc thẩm định lại đơn đăng ký SHCN được quy định tại Điều 16 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN gồm 2 trường hợp cơ bản là:

  • Có ý kiến phản đối kết quả thẩm định nội dung;
  • Có yêu cầu thu hẹp phạm vi văn bằng bảo hộ

So với quy định về thẩm định lại tại Điều 16 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì Thông tư 23 đã quy định thêm một số trường hợp Cục SHTT cần thẩm định lại đơn đăng ký SHCN, cụ thể như sau:

  1. Thẩm định lại đơn do có ý kiến phản đối sau khi đã có thông báo kết quả thẩm định nội dung khi đáp ứng các điều kiện sau:
    – Có ý kiến bằng văn bản của người nộp đơn nộp cho Cục SHTT trong giai đoạn từ ngày ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đến trước ngày ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ; hoặc có ý kiến bằng văn bản của người thứ ba phản đối thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ cùng với chứng cứ xác đáng chứng minh do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên đã không thể phản đối đơn trong thời hạn quy định;
    – Ý kiến nêu trên là có cơ sở xác đáng, kèm theo các chứng cứ hoặc chỉ dẫn tới các nguồn thông tin đáng tin cậy;
    – Lý lẽ, chứng cứ chứng minh ý kiến nêu trên phải khác với lý lẽ, chứng cứ (nếu có) đã được đưa ra trong giai đoạn trước đó hoặc tuy lý lẽ, chứng cứ đó là không khác nhưng chưa được Cục SHTT xem xét theo quy định.
  2. Thẩm định lại đơn do có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn sau khi đã thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ;
  3. Thẩm định lại do có yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ.
  4. Thẩm định lại đơn do chủ văn bằng bảo hộ có yêu cầu sửa đổi bản mô tả hoặc thu hẹp phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
  5. Thẩm định lại đơn do có yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ;
  6. Thẩm định lại đơn do có khiếu nại về các quyết định, thông báo liên quan.
  7. Việc thẩm định lại đơn chỉ được thực hiện một lần đối với người nộp đơn và đối với mỗi người thứ ba.

Xem thêm: Dịch vụ xử lý vi phạm nhãn hiệu

Một số quy định mới về Khiếu nại và Giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về SHCN

Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN quy định một số nội dung về Khiếu nại và Giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về SHCN như sau:

1. Các quyết định, thông báo có thể bị khiếu nại

Trước khi có Thông tư số 23, việc xác định các quyết định, thông báo bị khiếu nại tuân theo các quy định của Luật Khiếu nại.

Thông tư 23 đã quy định cụ thể các quyết định, thông báo có thể bị khiếu nại là các quyết định, thông báo chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ liên quan đến các thủ tục về SHCN, bao gồm:

  • Thông báo từ chối tiếp nhận đơn;
  • Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
  • Quyết định từ chối chấp nhận đơn;
  • Thông báo chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn/chuyển đổi đơn/thay đổi người nộp đơn/rút đơn;
  • Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ; Quyết định cấp văn bằng bảo hộ;
  • Quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế; Quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế; Quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế; và
  • Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế;
  • Quyết định cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định cấp lại văn bằng bảo hộ; quyết định từ chối cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối cấp lại văn bằng bảo hộ;
  • Thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ;
  • Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ;
  • Quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ;
  • Quyết định chấm dứt hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ, thông báo từ chối chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ;
  • Quyết định, thông báo về việc xử lý đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu; Quyết định, thông báo về việc xử lý đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp;
  • Quyết định hành chính liên quan đến đại diện sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
  • Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Các quyết định, thông báo và hành vi hành chính khác đáp ứng điều kiện là đối tượng bị khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
    Người nộp đơn cũng cần lưu ý các thông báo mang tính chất thông tin, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ không phải là quyết định hành chính nên cũng không là đối tượng khiếu nại. Ví dụ: thông báo kết quả thẩm định, thông báo thiếu sót, yêu cầu sửa đổi, bổ sung tài liệu, dự định từ chối, thông báo tạm thời từ chối bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế, thông báo từ chối bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế.

2. Những nội dung không được chấp nhận trong quá trình giải quyết khiếu nại

Theo Thông tư mới ban hành, các yêu cầu sau đây không được chấp nhận trong quá trình giải quyết khiếu nại (trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác):

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (như yêu cầu sửa đổi bản mô tả sáng chế (bao gồm yêu cầu bảo hộ);
  • Yêu cầu sửa đổi bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp;
  • Yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  • Yêu cầu sửa đổi tên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý),
    Ngoài ra, tình tiết đã tồn tại trong quá trình thẩm định đơn đăng ký SHCN nhưng vì lý do khách quan nào đó, mà Cục SHTT và tổ chức, cá nhân liên quan chỉ có thể biết được sau khi đã có quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ cũng không được chấp nhận trong quá trình giải quyết khiếu nại, trừ trường hợp tình tiết này được người thứ ba đưa ra theo đúng quy định.

3.Thời hiệu khiếu nại
Đơn khiếu nại phải được nộp trong thời hiệu quy định tại các Điều 9 và 33 Luật Khiếu nại, cụ thể là:

  • Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
  • Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
    Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại, với điều kiện người khiếu nại có chứng cứ xác đáng chứng minh tình trạng đó.
Mẫu đơn khiếu nại theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP
Mẫu đơn khiếu nại theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP

4. Đơn Khiếu nại
Đơn khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, trong đó nêu đầy đủ các thông tin sau:

  • Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ và bản sao đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định hoặc thông báo đó (trong trường hợp người nộp đơn khiếu nại lần hai); hoặc tài liệu chỉ dẫn thông tin về các tài liệu nêu trên;
  • Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (đối với khiếu nại lần hai);
  • Chứng cứ (bằng chứng hoặc vật chứng) dùng để chứng minh, làm rõ lập luận khiếu nại. Chứng cứ có thể được nộp bổ sung trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn khiếu nại.
    Trường hợp nộp đơn khiếu nại thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam, đơn phải kèm theo văn bản ủy quyền. Đối với khiếu nại lần hai, bản sao văn bản ủy quyền phải có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top