Phải làm gì khi các bên không đồng ý với quyết định của trọng tài?

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, không thể tránh khỏi việc có những trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của trọng tài. Điều này có thể xảy ra vì các lý do khác nhau. Lúc này, các bên tham gia sẽ phải làm gì? Quy định của pháp luật ra sao trong trường hợp này? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết.

Quyết định trọng tài là gì?

Quyết định trọng tài hay Phán quyết trọng tài được định nghĩa tại Khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 như sau: “Phán quyết trọng tài là quyết định của hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài buộc các bên tranh chấp phải thực hiện”.

Tại Công ước New York, chỉ đưa ra định nghĩa về phán quyết trọng tài như sau: thuật ngữ “các phán quyết trọng tài” bao gồm không chỉ những phán quyết đưa ra bởi các trọng tài viên được chỉ định cho từng vụ mà còn bao gồm các phán quyết đưa ra bởi các tổ chức trọng tài thường trực được các bên đưa vụ việc ra giải quyết.

Tóm lại, có thể đưa ra khái niệm khái quát về phán quyết trọng tài là quyết định của hội đồng trọng tài bằng văn bản giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp giữa các bên tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài, ràng buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.

Xem thêm: Quy trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế được thực hiện như thế nào?

06 nội dung quan trọng để hiểu rõ hơn về Trọng tài thương mại

Làm thế nào khi các bên không đồng ý với quyết định của trọng tài?

Các bên khi không đồng ý với quyết định của trọng tài có thể làm đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài gửi đến Tòa án nếu một trong các căn cứ sau đây:

– Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

– Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010;

– Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;

– Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

– Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau:

– Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó;

– Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.

Xem thêm: Quy định về việc huỷ phán quyết trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010

Thủ tục hủy quyết định trọng tài

Soạn thảo đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

– Thời hạn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:

Đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài phải được nộp cho Toà án trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bên yêu cầu nhận được phán quyết trọng tài. Trường hợp vì lý do xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc gửi đơn quá hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng sẽ không được tính vào thời hạn yêu cầu hủy phán quyết.

(Theo Điều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)

– Tòa án có thẩm quyền giải quyết:

Tòa án có thẩm quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài. Do đó, bên yêu cầu cần xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết để nộp Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(Theo Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)

– Hình thức và nội dung của Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:

Hình thức và nội dung của Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, bên yêu cầu có thể soạn Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đáp ứng hình thức và nội dung theo luật định và phải đảm bảo có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn;

+ Tên và địa chỉ của bên có yêu cầu;

+ Yêu cầu và căn cứ huỷ phán quyết trọng tài.

Đồng thời, bên yêu cầu phải gửi bản chính hoặc bản sao phán quyết trọng tài, thỏa thuận trọng tài và bản dịch các tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt đã được chứng thực hợp lệ kèm Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(Theo Điều 70 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)

Xem thêm: Quy định của pháp luật về bào chữa và người bào chữa? Các hướng bào chữa cơ bản trong vụ án hình sự?

Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại

Nộp Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Sau khi đã chuẩn bị Hồ sơ yêu cầu (bao gồm Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và các tài liệu, chứng cứ có liên quan), bên yêu cầu có thể gửi Hồ sơ yêu cầu đến Tòa án có thẩm quyền bằng 03 phương thức sau:

(i) Nộp trực tiếp tại Tòa án;

(ii) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

(iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Thụ lý Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Sau khi nhận đơn và xem xét thẩm quyền giải quyết, Tòa án tiến hành thụ lý Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và thông báo ngay cho Trung tâm trọng tài hoặc các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc và các bên tranh chấp về việc đã thụ lý yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Chánh án Toà án sẽ tiến hành chỉ định một Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài để giải quyết vụ việc.

Xem thêm: Giải quyết tranh chấp trong sở hữu trí tuệ

Tham gia phiên họp xem xét yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được chỉ định, Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài sẽ tiến hành mở phiên họp để xét yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.

Phiên họp được tiến hành đúng thời gian, địa điểm với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp bên yêu cầu rút đơn hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài chấp thuận thì Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ban hành quyết định đình chỉ việc xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Kết quả yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài

Sau khi tiến hành xem xét nội dung yêu cầu, Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có quyền ban hành quyết định huỷ hoặc không huỷ phán quyết trọng tài. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định, Tòa án sẽ phải gửi quyết định cho các bên và Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên Trọng tài vụ việc.

Việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài là một phương thức mềm dẻo, nhanh chóng, thuận lợi cho các bên. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cũng phát huy tối đa nhiệm vụ của nó. Cho nên việc có một cơ chế để hủy quyết định Trọng tài là cần thiết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top