Thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp môi trường tại Tòa án: Những thay đổi mới năm 2025

Tranh chấp môi trường là loại tranh chấp phát sinh từ các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái hoặc hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, hoặc cộng đồng. Đây là vấn đề pháp lý quan trọng, đòi hỏi sự can thiệp của Tòa án nếu không tự thương lượng hòa giải được, để bảo vệ môi trường và quyền lợi của các bên liên quan.

Dấu hiệu đặc trưng của tranh chấp môi trường

So với các loại tranh chấp khác, tranh chấp môi trường có những đặc trưng nổi bật như sau:

  • Tranh chấp môi trường là xung đột mà lợi ích công và lợi ích tư thường gắn bó chặt chẽ với nhau.
  • Tranh chấp môi trường thường xảy ra trên quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, thậm chí có thể liên quan đến nhiều quốc gia.
  • Vị thế của các bên trong tranh chấp môi trường thường không đồng đều, với một bên thường là chủ các dự án đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước, trong khi bên còn lại thường là người dân với các yêu cầu đảm bảo chất lượng môi trường sống.
  • Tranh chấp môi trường có thể nảy sinh ngay khi chưa có sự xâm hại thực tế đến các quyền và lợi ích hợp pháp về môi trường.
  • Giá trị thiệt hại trong các tranh chấp môi trường thường rất lớn và khó xác định một cách chính xác.

Nguyên tắc cơ bản trong giải quyết tranh chấp môi trường

Các nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết tranh chấp môi trường có thể được tóm lược như sau:

Nguyên tắc công quyền can thiệp: Việc giải quyết tranh chấp môi trường không chỉ là mong muốn của các bên tranh chấp mà còn là trách nhiệm của Nhà nước. Sự can thiệp của công quyền vào quá trình giải quyết tranh chấp môi trường cần được xem là một dạng trách nhiệm công vụ bắt buộc, nhằm đảm bảo tính khách quan và công bằng.

Nguyên tắc phòng ngừa: Nguyên tắc này tập trung vào việc ngăn chặn các mối nguy tiềm tàng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng từ các hoạt động phát triển. Đặc biệt, đối với những dự án quy mô lớn như nhà máy hóa chất, công trình thủy điện, nhiệt điện, hoặc xử lý chất thải, việc áp dụng nguyên tắc phòng ngừa yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy định về đánh giá tác động môi trường để giảm thiểu rủi ro trước khi xảy ra sự cố.

Nguyên tắc phối hợp, hợp tác: Nguyên tắc này nhấn mạnh vai trò của sự phối hợp và đối thoại giữa các bên liên quan. Việc cùng nhau trao đổi thông tin, xác định trách nhiệm, chia sẻ lợi ích và xây dựng cam kết chung là yếu tố cốt lõi để tìm ra giải pháp đồng thuận, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả giá: Nguyên tắc này đặt ra trách nhiệm rõ ràng cho người gây ra ô nhiễm. Họ phải chịu “cái giá” bao gồm:

  • Thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường hoặc sự cố môi trường.
  • Bồi thường thiệt hại cho môi trường, sức khỏe, tính mạng và tài sản của các nạn nhân (nếu có).

Nguyên tắc này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường, đồng thời răn đe và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Nguyên tắc tham vấn chuyên gia: Để xác định một cách có căn cứ khoa học thiệt hại xảy ra đối với môi trường, tính mạng, sức khoẻ và tài sản của các nạn nhân trong các tranh chấp môi trường cần sử dụng cơ chế tham vấn chuyên gia. Khi đó các số liệu mới trở thành căn cứ khoa học – pháp lý giúp các bên tranh chấp cũng như cơ quan có thẩm quyền đánh giá, dự báo và kết luận đầy đủ để đưa ra các phán quyết đảm bảo tính chính xác, khách quan.

Thủ tục khởi kiện tranh chấp môi trường tại Tòa án

Nộp đơn khởi kiện

Tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Đối với Đơn khởi kiện thì người khởi kiện cần thực hiện đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định theo khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đồng thời nộp kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Phân công thẩm phán xem xét đơn

Căn cứ theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định, phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Thụ lý vụ án và thông báo về thụ lý vụ án

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Hòa giải

Căn cứ theo Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Như vậy sau khi tiến hành hòa giải Tòa án sẽ ra quyết định hòa giải thành khi thông qua hòa giải, các bên tham gia hòa giải tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự mà phần này không liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự đó và không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận. Trong trường hợp hòa giải không thành Thẩm phán chủ toạ phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.

Xét xử sơ thẩm vụ án

Căn cứ theo Điều 222 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về yêu cầu chung đối với phiên tòa sơ thẩm: “Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.”

Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án, trường hợp các bên đương sự không đồng ý với bản án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên thì có quyền nộp đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung bản án.

Thời hạn các bên kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, trường hợp đương sự vắng mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời gian 15 ngày được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được tuyên án.

Nếu quá thời hạn 15 ngày các đương sự không kháng cáo thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, Tòa án không giải quyết kháng cáo mà các đương sự phải nộp đơn kháng nghị đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo thủ tục Giám đốc thẩm.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top