THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐANG PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, thương mại điện tử đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt đối với thương mại thế giới sau đại dịch Covid-19. Thương mại điện tử xuyên biên giới tại EU tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến của các nước EU chiếm 22% tổng doanh thu thương mại điện tử thế giới. Trong đó, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2022 của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 220 tỷ Euro, chiếm khoảng 38,9% doanh số thương mại điện tử của cả khu vực châu Âu.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử cũng đã ghi nhận tiến triển tích cực với doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Dự báo trong thời gian tới, thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các cam kết về thương mại điện tử trong các hiệp định thương mại tự do.
Đặc biệt, theo TS. Trần Toàn Thắng, Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, thương mại điện tử Việt Nam tăng nhanh cả về quy mô và phạm vi hoạt động: đóng góp 12,3% GDP cả nước, kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á, lọt 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới năm 2023.
TIỀM NĂNG SONG HÀNH CÙNG THÁCH THỨC
Sau 3 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, tính đến năm 2023, thương mại Việt Nam – EU đã đạt được những thành tựu nổi bật. Tốc độ tăng xuất khẩu trung bình giai đoạn 2021-2023 sang EU đạt 8,1%. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam đang dần xây dựng được mô hình kinh doanh thương mại điện tử với EU và đã đạt được những thành công ban đầu.
Theo đánh giá của TS. Trần Toàn Thắng, EU là thị trường rộng lớn với thương mại điện tử xuyên biên giới dựa trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống rất phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam. Khu vực này sở hữu các nền tảng và chợ online đa dạng, nên doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể khai thác một cách triệt để. Mặt khác, một số thị trường thương mại điện tử lớn nhất EU đang dần thay đổi thói quen mua sắm trực tuyến với doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới tăng mạnh, như Đức, Pháp, Italia.
Tuy vậy, hiện nay số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang châu Âu trên các sàn giao dịch quốc tế thấp hơn nhiều so với các thị trường khác (ví dụ: trong số hơn 10.000 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bằng thương mại điện tử trên sàn Amazon hiện nay chỉ có khoảng 10% xuất khẩu sang thị trường châu Âu). Lý do chính là yêu cầu cao của thị trường EU về các tiêu chuẩn chất lượng và môi trường, văn hóa mua hàng chi tiết và kỹ lưỡng hơn so với các thị trường khác, cùng các rào cản pháp lý chặt chẽ, trong khi các chính sách hỗ trợ của Việt Nam cho doanh nghiệp còn chưa rõ ràng.
PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA NHÀ NƯỚC
Trước bối cảnh tiềm năng thương mại, đặc biệt là tiềm năng về thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU là rất lớn, TS. Trần Toàn Thắng đưa ra một số kiến nghị cho Chính phủ như sau:
Thứ nhất, cần có chính sách ưu đãi đặc thù đối với các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trên các sàn giao dịch.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử, có cơ chế thúc đẩy hoạt động của các sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam – EU đang có nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp ở khu vực châu Âu.
Thứ ba, ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về Hệ thống truy xuất nguồn gốc, các quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện các căn cứ pháp lý, chế tài trong việc kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc.
Thứ tư, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu xuyên biên giới, hoạt động của các công ty logistics, hãng tàu; tăng cường các nỗ lực chính sách và đầu tư phát triển logistics xuyên biên giới…
Song song với những kiến nghị trên, TS. Trần Toàn Thắng cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể cho các ngành có lợi thế tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu.
Theo đó, đối với ngành nông sản, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thuế quan của từng nước EU; hỗ trợ doanh nghiệp nông sản công nghệ cao khởi nghiệp sáng tạo để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng của nông sản Việt; chú trọng vào đào tạo nguồn lực có kiến thức về xuất xứ hàng hóa nói chung và quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA nói riêng, để có thể sẵn sàng tham gia vào cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Đối với ngành nội thất, đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ chuyên sâu về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp ngành nội thất, mỹ nghệ, chú trọng thúc đẩy thương mại điện tử tại các làng nghề…; hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nội thất trong đáp ứng các yêu cầu về chứng nhận liên quan đến bảo vệ rừng và môi trường (chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, chứng chỉ carbon…
Với ngành dệt may, cần củng cố và phát triển chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam, trong đó tập trung vào phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên phụ liệu có nguồn gốc thiên nhiên; đào tạo nguồn nhân lực am hiểu về marketing, thiết kế sản phẩm để đáp ứng phương thức sản xuất ODM…
Ngoài ra, với lĩnh vực trang sức và mỹ phẩm từ thiên nhiên, Việt Nam cần có nghiên cứu chuyên sâu đánh giá phân tích cập nhật hơn về nhu cầu thị trường EU đối với các sản phẩm này; xem xét điều chỉnh chính sách quản lý nhập khẩu vàng (đối với ngành trang sức).
Theo: Báo Kinh tế và Dự báo