Giảm thiểu rủi ro trong các thỏa thuận thương mại quốc tế

Với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ ngày nay đã mở ra nhiều cơ hội giao thương về thương mại quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội thúc đẩy, đưa Việt Nam vào các thị trường tiềm năng trên thế giới, tuy nhiên, “sân chơi” càng lớn thì các rủi ro đi kèm càng cao. Do đó, việc xây dựng một chiến lược pháp lý chặt chẽ để quản lý và giảm thiểu các rủi ro trong thỏa thuận thương mại quốc tế là điều tối quan trọng.

Nghiên cứu và phân tích thị trường thương mại quốc tế

Trước khi ký kết hợp đồng thương mại, việc nghiên cứu và phân tích thị trường là rất cần thiết. Các doanh nghiệp cần xác định các yếu tố như tình hình kinh tế, chính trị, pháp lý của quốc gia đối tác. Hơn nữa, việc nắm bắt thói quen và tập quán thương mại tại địa phương cũng giúp các bên hiểu rõ hơn về những rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh trông quá trình hợp tác.

Xây dựng hợp đồng thương mại có tính pháp lý cao

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro trong thương mại quốc tế là việc xây dựng các hợp đồng thương mại chắc chắn và minh bạch. Hợp đồng là cơ sở pháp lý cho mọi giao dịch giữa các bên, vì vậy việc xác định rõ ràng các điều khoản, điều kiện giao dịch, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên sẽ giúp tránh được những tranh chấp và xung đột tiềm ẩn. Doanh nghiệp cần chú trọng đến các điều khoản về chất lượng hàng hóa, thời gian giao nhận, phương thức thanh toán và giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, việc tham khảo các mô hình hợp đồng thương mại quốc tế thành công và phù hợp với ngành nghề cụ thể cũng là một chiến lược quan trọng. Các mẫu hợp đồng quốc tế thường tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu, giúp doanh nghiệp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình và giảm thiểu các rủi ro pháp lý.

Cẩn trọng trong thanh toán quốc tế

Có thể thấy, trong các hoạt động thương mại quốc tế, các doanh nghiệp của chúng ta đã quá tin tưởng vào người môi giới, sử dụng hợp đồng do môi giới soạn thảo rất đơn giản nên thường thiếu nhiều điều khoản quan trọng, thậm chí bỏ qua các khâu kiểm tra thông tin, năng lực của đối tác. Từ đó dẫn đến các rủi ro không mong muốn.

Hiện trong thương mại quốc tế có 3 phương thức thanh toán phổ biến nhất là thanh toán bằng điện chuyển tiền (T/T) thường dùng cho khách hàng mới; thanh toán bằng nhờ thu chỉ dùng với khách hàng thân thiết và phương thức thư tín dụng (L/C) sử dụng cho hợp đồng trị giá lớn.

Trong đó L/C là phương thức thanh toán an toàn nhất cho người bán do có bảo đảm thanh toán từ ngân hàng dựa trên một chứng từ của bên thứ ba tại nước người mua. Hợp đồng L/C quy định trong bộ chứng từ phải xuất trình có chứng từ do người mua phát hành và có những quy định về vận đơn để làm giảm khả năng kiểm soát hàng hóa của người bán.

Do đó, doanh nghiệp nên sử dụng phương thức thanh toán L/C và có thể yêu cầu mã vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Nếu ai có mã vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng cũng chưa thể nhận được hàng.

Hiểu rõ quy định của hải quan và thuế nhập khẩu

Một trong những yếu tố gây rủi ro trong thương mại quốc tế chính là các quy định về hải quan và thuế nhập khẩu. Việc thiếu hiểu biết hoặc không tuân thủ đúng quy định về thuế, hải quan có thể dẫn đến việc chậm trễ giao hàng, hàng hóa bị tịch thu, hoặc các khoản phạt lớn. Do đó, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về thuế xuất nhập khẩu, biện pháp bảo vệ thương mại của từng quốc gia để tránh những rủi ro pháp lý và tài chính không mong muốn.

Việc làm việc chặt chẽ với các chuyên gia pháp lý hoặc luật sư chuyên về hải quan có thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ các quy định này. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao dịch hàng hóa.

Áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả

Tranh chấp trong thương mại quốc tế là điều khó có thể tránh khỏi. Do đó, việc áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả là một chiến lược pháp lý quan trọng giúp doanh nghiệp giải quyết xung đột một cách nhanh chóng và công bằng. Trọng tài thương mại, hòa giải hoặc các cơ chế đàm phán đều là những phương thức hiệu quả giúp các bên giải quyết tranh chấp mà không cần phải đưa ra tòa án quốc tế.

Trong nhiều trường hợp, trọng tài thương mại quốc tế được ưu tiên sử dụng vì tính linh hoạt, bảo mật và sự chuyên nghiệp trong quá trình xử lý tranh chấp. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc sử dụng tòa án thông thường.

Ngoài ra cũng có các phương thức phòng ngừa rủi ro khác bao gồm mua bảo hiểm thanh toán, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các công ty luật, mua thông tin từ các trang thông tin uy tín để xác minh độ tin cậy của đối tác,…

Theo các chuyên gia kinh tế dự báo trong thời gian tới rủi ro trong lừa đảo thương mại quốc tế sẽ vẫn tiếp tục gia tăng, để chuẩn bị ứng phó, trước hết tự doanh nghiệp phải hoàn thiện mình, trau dồi kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó các lừa đảo và tranh chấp; làm quen với văn hóa kinh doanh của từng nước, đối tác cũng như tìm hiểu về các hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp của nước mà mình có quan hệ kinh tế.

Xem thêm: 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top