Trong bối cảnh kinh tế số và sự phát triển nhanh chóng của các giao dịch điện tử, tranh chấp liên quan đến hợp đồng điện tử đang trở thành một trong những vấn đề pháp lý nổi bật tại Việt Nam. Bài viết này sẽ phân tích các khía cạnh pháp lý của tranh chấp hợp đồng điện tử, từ đặc điểm của giao dịch điện tử đến thủ tục giải quyết tại Tòa án.
Đặc điểm của hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử (E-contract) là loại hợp đồng mà các bên tham gia thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình, được gửi đi, nhận lại và lưu trữ trên các phương tiện điện tử như kỹ thuật số, công nghệ điện tử, quang học và các phương tiện điện tử khác.
Hợp đồng điện tử có những đặc điểm khác biệt so với hợp đồng truyền thống. Những đặc điểm cơ bản của loại hợp đồng số này bao gồm:
Hợp đồng được thể hiện qua thông điệp, dữ liệu điện tử
Hợp đồng điện tử không tồn tại dưới dạng tài liệu giấy mà thay vào đó, nó được biểu diễn dưới dạng dữ liệu điện tử, ví dụ như tệp PDF, email, hoặc các thông điệp trên ứng dụng tin nhắn. Do đó, điểm đặc trưng đầu tiên của hợp đồng online là việc giao kết, đề nghị giao kết, thực hiện giao kết và lưu trữ hợp đồng đều bằng thông điệp dữ liệu, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Có ít nhất 3 bên tham gia vào quá trình ký
Khác với hợp đồng truyền thống chỉ bao gồm hai bên chính (bên bán và bên mua), hợp đồng điện tử thường có sự tham gia của một bên thứ ba – nhà cung cấp dịch vụ mạng hoặc cơ quan chứng thực chữ ký điện tử.
Cơ quan chứng thực chữ ký điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng. Họ không trực tiếp tham gia vào việc đàm phán hoặc ký kết hợp đồng, mà nhiệm vụ chính là xác thực và bảo đảm rằng hợp đồng điện tử tuân thủ các yêu cầu pháp lý để được công nhận hợp lệ.
Phạm vi sử dụng của hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử không được áp dụng cho mọi loại giao dịch. Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023, hợp đồng điện tử chỉ được áp dụng trong các lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và hoạt động của cơ quan nhà nước. Một số loại giao dịch đặc thù không áp dụng hợp đồng điện tử, như giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, đăng ký kết hôn, ly hôn, khai sinh, khai tử,…
Có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi
Điểm khác biệt nổi bật của hợp đồng điện tử là tính linh hoạt. Với việc thông tin và dữ liệu được lưu trữ dưới dạng điện tử, các bên tham gia không cần phải gặp trực tiếp để ký kết. Thay vào đó, họ có thể thực hiện giao kết từ bất kỳ địa điểm nào và vào bất kỳ thời điểm nào, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí một cách hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng điện tử
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng điện tử, người ta chia nguyên nhân thành các nhóm chính bao gồm:
Nguyên nhân do chủ thể hợp đồng: Nguyên nhân do chủ thể hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ của mình khi việc thực hiện nghĩa vụ ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Ở hợp đồng điện tử hay hợp đồng giấy nguyên nhân này đều có thể xảy ra.
Nguyên nhân do vi phạm các quy định về hợp đồng: Đây là nguyên nhân phổ biến và thường phát hiện sau khi đã giao kết hợp đồng. Điển hình của nguyên nhân này như:
- Do vi phạm đối tượng hợp đồng: Mua bán vận chuyển động vật quý hiếm, thuốc cấm, vũ khí…
- Do người ký hợp đồng không có tư cách pháp nhân
- Do bị ép buộc giao kết hợp đồng
- …
Nguyên nhân do vi phạm các quy định khi giao kết hợp đồng điện tử: Vi phạm các quy định khi giao kết hợp đồng điện tử có đặc thù khác biệt so với việc tranh chấp hợp đồng giấy thông thường. Khi giao dịch điện tử ngoài việc phải đảm bảo thực hiện đúng Luật hợp đồng còn phải đảm bảo các quy tắc về giao dịch điện tử như:
- Quy tắc về hình thức hợp đồng điện tử;
- Quy tắc về chữ ký số;
- Quy tắc sửa hợp đồng;
- Quy tắc về bảo mật, chia sẻ dữ liệu điện tử
- …
Thủ tục tố tụng và giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án
Người khởi kiện sẽ tiến hành nộp Đơn khởi kiện cho tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Đơn khởi kiện phải được nộp kèm theo các loại tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Người khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Tòa án, gửi đến Tòa án theo đường bưu chính hoặc gửi online qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Tòa án nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện
Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện với đầy đủ minh chứng, Chánh án Tòa án sẽ phân công một Thẩm phán tiến hành xem xét và xử lý đơn khởi kiện trong thời gian 3 ngày sau đó.
Sau 5 ngày làm việc kể từ khi được phân công, Thẩm phán sẽ đưa ra một trong các quyết định sau đây về đơn khởi kiện:
- Yêu cầu sửa đổi và bổ sung các loại văn bản cần thiết
- Tiến hành thụ lý vụ án theo các thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn (trong trường hợp vụ án có đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục này, được quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)
- Tiến hành chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án khác.
- Trả lại đơn khởi kiện cho bị đơn nếu vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
Bước 3: Đóng phí tạm ứng
Sau khi xử lý đơn khởi kiện và các minh chứng có liên quan, nếu nhận thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải ngay lập tức thông báo cho bị đơn biết để họ tiến hành đóng phí tạm ứng tại Tòa án (trong trường hợp bắt buộc).
Vụ án chỉ được thụ lý sau khi người khởi kiện đã hoàn tất đóng phí tạm ứng cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ việc
Thẩm phán phải tiến hành thông báo bằng văn bản cho các bên liên quan, những tổ chức và các nhân có nghĩa vụ, quyền lợi cho việc giải quyết vụ án trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ khi tòa án thụ lý vụ việc. Đồng thời, thông báo cho Việc kiểm soát cùng cấp về quyết định thụ lý vụ án.
Bước 5: Tiến hành hòa giải
Thời gian chuẩn bị phiên xét xử sơ thẩm thường kéo dài từ 2 đến 4 tháng. Trong thời gian này, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ tiến hành lập biên bản hòa giải thành công. Nếu hòa giải không thành công, vụ án sẽ được đưa ra xét xử.
Bước 6: Mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án
Kể từ ngày Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong thời gian 1 tháng Tòa án phải mở phiên tòa. Trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn tối đa là 2 tháng. Sau khi mở phiên tòa, Tòa án sẽ đưa ra Bản án giải quyết tranh chấp thương mại giữa các bên, bên nào không đồng ý có thể thực hiện thủ tục kháng cáo.
Bước 7: Mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, Giám đốc thẩm, Tái thẩm (nếu có)
Sự gia tăng của tranh chấp hợp đồng điện tử đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống pháp luật và cơ quan tư pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, với việc cải thiện khung pháp lý, nâng cao nhận thức xã hội, và tăng cường áp dụng công nghệ, việc giải quyết tranh chấp có thể đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Trong bối cảnh kinh tế số không ngừng phát triển, đây là nhiệm vụ cấp thiết để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong môi trường giao dịch điện tử.
Xem thêm: