Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại

Hiện nay, một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp phát sinh ngoài khuôn khổ tòa án phổ biến nhất là trọng tài thương mại. Bên cạnh Tòa án, với tính chất phức tạp của tranh chấp thương mại, phần lớn các bên thường lựa chọn đưa tranh chấp của mình ra trọng tài để giải quyết bởi tính linh hoạt và hiệu quả cao. Song phương thức này vẫn còn đang phát triển tại Việt Nam, vấn đề về thẩm quyền của trọng tài thương mại cũng là một vấn đề quan trọng các bên tranh chấp trước khi có thỏa thuận trọng tài cần nắm rõ.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài Việt Nam

Thẩm quyền của trọng tài Việt Nam được quy định cụ thể tại Luật trọng tài thương mại năm 2010 như sau:

Theo như Điều 5 khoản 1 của Luật trọng tài thương mại 2010:

“Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.”

Như vậy, để một việc thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại, điều kiện trước hết phải là giữa các bên có tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài. Ở đây, ta có thể thấy sự tôn trọng thỏa thuận của các bên: trọng tài thương mại chỉ có thẩm quyền giải quyết nếu như được các bên có “vụ việc” lựa chọn, không có sự ép buộc nào cả, tất cả đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện.

Thêm vào đó, thời điểm thỏa thuận về giải quyết trọng tài như vậy, theo đánh giá chung là rất thoáng và linh hoạt cho các bên khi lực chọn, không nhất thiết phải thỏa thuận trước mà có thể sau khi xảy ra tranh chấp, các bên chỉ cần quan tâm vấn đề làm như thế nào cho đúng quy định, không làm vô hiệu thỏa thuận trọng tài thì việc giải quyết sẽ được thực hiện theo hình thức trọng tài thương mại.

Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trong tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trong tài không thực hiện được.

Như vậy Luật trọng tài đã dỡ bỏ hạn chế của Pháp lệnh về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài tới nhiều loại tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên, ngoài việc có thẩm quyền đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại. Luật để mở khả năng trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng được pháp luật có liên quan quy định.

Việc mở rộng thẩm quyền này của trọng tài thương mại là hoàn toàn hợp lý, đã phần nào khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, đồng thời bảo đảm sự tương thích giữa các văn bản pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật thương mại, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành. Có thể nói đây là một điểm mới về thẩm quyền trọng tài thương mại hoàn toàn phù hợp với thực tế.

Theo luật trọng tài 2010, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp ( khoản 2 và 3 điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 đề cập đến trường hợp các bên không nhất thiết phải hoạt động thương mại), miễn là lĩnh vực đó phát sinh theo quy định của luật. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc khắc phục những khó khăn cho các Trung tâm trọng tài và cả cá nhân có nguyện vọng lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài quốc tế

Trọng tài thương mại quốc tế không có thẩm quyền đương nhiên, chỉ có thẩm quyển khi các bên thỏa thuận lựa chọn. Thỏa thuận trọng tài có thể phát sinh trước hoặc sau thời điểm phát sinh tranh chấp.

“Hội đồng trọng tài có quyền quyết định về việc phản đối Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết, kể cả những sự phản đoi về sự tồn tại hoặc giá trị pháp lý của điều khoản trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài riêng biệt”.

Hầu hết pháp luật các nước đều thừa nhận “nguyên tắc thẩm quyền của thẩm quyền” như là một nguyên tắc cơ bản khi xem xét về thẩm quyền của một trọng tài. Nguyên tắc này dễ dàng tìm thấy trong pháp luật trọng tài của Thụy Sĩ, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Anh v.v. Ví dụ, khoản 1 Điều 1040 Luật Trọng tài Đức 1998 quỵ định:

‘’Hội đồng trọng tài có thể phản quyết về thẩm quyền của chính nó và sự tồn tại hay hiệu lực của thoả thuận trọng tài…”

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại tại Việt Nam là một cơ chế giải quyết linh hoạt và nhanh chóng, đặc biệt phù hợp cho các tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp. Việc xác định thẩm quyền của trọng tài phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên và tính chất của tranh chấp, đồng thời chịu sự giám sát, kiểm soát của pháp luật để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu quả của phán quyết trọng tài.

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top