Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can thì cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định cho đối tượng này được tại ngoại mà không phải tạm giam. Vậy tại ngoại là gì? Pháp luật quy định như thế nào về tại ngoại?
Tại ngoại là gì?
Hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào đưa ra cách hiểu về tại ngoại. Tuy nhiên, hiểu một cách khái quát nhất, tại ngoại được hiểu là tình trạng bị can, bị cáo không bị áp dụng biện pháp tạm giam trong thời gian chờ giải quyết vụ án hình sự, tại ngoại nghĩa là một người được thả tự do liên quan đến hành vi phạm tội mà người đó bị buộc tội. Về mặt pháp lý, có ba hình thức để bị cáo, bị can được hưởng tại ngoại đó là biện pháp bảo lĩnh (thường được biết đến với tên gọi bảo lãnh), biện pháp đặt tiền bảo đảm và biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Ba hình thức này là ba biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam. Thứ nhất, về biện pháp bảo lĩnh. Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.” Thứ hai, về biện pháp đặt tiền bảo đảm. Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.” Thứ ba, biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Điều 123 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.” Xem thêm:- Án treo là gì? Điều kiện được hưởng án treo theo quy định mới nhất hiện nay?
- Quy Định Của Pháp Luật Về Tuổi Chịu Trách Nhiệm Hình Sự