Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Theo Luật Đầu tư 2020, không phải tất cả các dự án đều cần xin cấp giấy chứng nhận này, nhưng với những dự án bắt buộc, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện nhất định.
Các trường hợp phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
- Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020.
Cơ quan chấp thuận dự án đầu tư
Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải được chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội đối với các dự án đầu tư theo quy định tại Điều 30 Luật Đầu tư 2020, Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật đầu tư 2020, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư theo quy định tại Điều 32 Luật đầu tư 2020.
Sau khi được chấp thuận dự án đầu tư, nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Điều 33 Luật Đầu tư 2020, hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư.
– Đề xuất dự án đầu tư, nêu rõ mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, địa điểm và thời gian thực hiện.
– Bản sao giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý:
- Đối với cá nhân: Hộ chiếu hoặc CMND/CCCD.
- Đối với tổ chức: Giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương.
– Báo cáo tài chính hoặc cam kết hỗ trợ tài chính từ tổ chức tín dụng.
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất (nếu có).
– Giải trình về công nghệ (nếu sử dụng công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao).
– Đánh giá tác động môi trường (nếu dự án thuộc diện phải lập ĐTM)
Quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
a) Nộp hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận: Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi thực hiện dự án.
b) Thời gian giải quyết
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu:
- Dự án thuộc ngành, nghề cấm đầu tư.
- Nhà đầu tư không đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển hoặc vi phạm quy định về sử dụng đất.
- Không đảm bảo năng lực tài chính hoặc không đủ hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý đối với nhà đầu tư
Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và chính xác để tránh kéo dài thời gian xử lý.
Nghiên cứu kỹ các điều kiện pháp lý và tiếp cận thị trường nếu là nhà đầu tư nước ngoài.
Đảm bảo tính minh bạch trong nguồn vốn và năng lực tài chính khi xin cấp phép.
Tìm hiểu quy hoạch địa phương để đảm bảo dự án không bị từ chối do không phù hợp quy hoạch
Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là bước quan trọng giúp nhà đầu tư hợp pháp hóa hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Để được cấp giấy chứng nhận, nhà đầu tư cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy hoạch, ngành nghề kinh doanh, năng lực tài chính, môi trường và các quy định đặc thù của từng lĩnh vực. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc tuân thủ các hạn chế về tiếp cận thị trường và pháp lý liên quan là điều kiện tiên quyết.
Nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật hiện hành cũng như chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để tránh mất thời gian trong quá trình xin cấp phép. Ngoài ra, việc tham vấn ý kiến từ các chuyên gia pháp lý hoặc đơn vị tư vấn đầu tư sẽ giúp đảm bảo quá trình thực hiện đúng quy định, hạn chế rủi ro và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Xem thêm: