Các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại ngoài tòa án, xét về mặt lịch sử, thương lượng, hòa giải và trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp xuất hiện sớm hơn so với sự ra đời của tòa án. Các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại ngoài tòa án ra đời cách đây mấy trăm năm nhưng mãi đến sau thế kỉ thứ 20 mới phát triển một cách mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, nhất là sau bối cảnh hậu Covid-19 việc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại để giải quyết các tranh chấp thương mại ngày càng phổ biến tại Việt Nam, thể hiện không chỉ qua số lượng các vụ tranh chấp được giải quyết mà còn qua sự đa dạng của các lĩnh vực tranh chấp.
Tính từ sau khi Luật trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực đến nay tổng số vụ tranh chấp được giải quyết tại các trung tâm trọng tài tại Việt Nam ngày càng tăng. Riêng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (“SIAC”) một tổ chức trọng tài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần đầu tiên đạt kỷ lục 1.080 vụ tranh chấp mới, trong đó tổng giá trị tranh chấp đạt 8,49 tỷ USD (11,25 tỷ SGD). Điều này đã đánh dấu cột mốc kép dành cho SIAC: lần đầu tiên vượt ngưỡng 1000 vụ tranh chấp, và số lượng vụ việc cao nhất kể từ khi tổ chức được thành lập. Với những ưu điểm nổi trội, xu hướng lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại ngoài tòa án đang dần thịnh hành để giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay. Theo đà phát triển sôi động đó, ở Việt Nam có hơn 30 trung tâm trọng tài thương mại đã ra đời trên cả nước và được nhiều doanh nghiệp tin tưởng, các Trung tâm đã và đang nỗ lực từng bước trở thành “địa chỉ vàng” giải quyết tranh chấp thương mại trong tương lai không xa.
Theo Luật thương mại 2005 có các cách giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án bao gồm các phương thức sau đây:
- Thương lượng giữa các bên.
- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
- Giải quyết tại Trọng tài.
Như vậy, theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, khi xảy ra tranh chấp kinh doanh, các bên có thể giải quyết tranh chấp thông qua việc trực tiếp thương lượng với nhau. Trong trường hợp, không thương lượng được với nhau, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh có thể được thực hiện với sự trợ giúp của bên thứ ba thông qua phương thức hoà giải, trọng tài.
Vấn đề lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh phù hợp cần được các bên cân nhắc, lựa chọn trên hàng loạt các yếu tố như mục tiêu cần đạt được, bản chất của tranh chấp, mối quan hệ làm ăn giữa các bên, thời gian và chi phí dành cho việc giải quyết tranh chấp … Chính vì vậy, khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, các bên cần hiểu rõ bản chất và cân nhắc các ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương thức để có quyết định hợp lý.
Giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng – Ưu điểm và nhược điểm
Thương lượng là việc các bên tranh chấp tự thỏa thuận với nhau để lựa chọn giải pháp chấm dứt xung đột đã phát sinh giữa họ.
Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp không chính thức, không có sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước hay bên thứ ba nài. Thương lượng thể hiện quyền tự do thỏa thuận và tự do định đoạt của cá bên. Hầu hết, các tranh chấp hợp đồng tranh chấp đều được các bên tự giải quyết bằng con đường thương lượng. Thương lượng trong giải quyết tranh chấp đã trở thành tập quán thương mại lâu đời, được các thương nhân ghi nhận và dường như trở thành nếp xử sự truyền thống trong đời sống doanh nghiệp.
Các dấu hiệu pháp lý của thương lượng:
- Tự các bên thỏa thuận để tìm kiếm giải pháp trên tinh thần tự nguyện;
- Không có sự hỗ trợ của người thứ ba ngoài tranh chấp;
- Các bên phải tự nguyện thi hành phương án hoà giải đã lựa chọn.
Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh bằng thương lượng có những uu điểm sau. Thứ nhất, giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chi phí thấp. Hơn nữa, duy trì được quan hệ hợp tác và phương thức này không bị lộ bí mật kinh doanh, không ảnh hưởng uy tín các bên. Mặt khác, không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý ngặt nghèo.
Tuy nhiên, thương lượng này cũng có nhược điểm đó là phương án thoả thuận mà các bên đạt được không mang tính cưỡng chế thi hành. Mặt khác, một bên không thiện chí dễ lợi dụng thương lượng để trì hoãn hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ. Nhược điểm của phương thức này đòi hỏi cả hai bên đều phải có thiện chí, trung thực và có tinh thần hợp tác cao, dường như mỗi bên đều phải chia sẻ lợi ích mới hi vọng có thương lượng thành công.
Điều kiện áp dụng thương lượng
- Thường áp dụng trong giai đoạn đầu của quá trình giải quyết tranh chấp;
- Áp dụng cho tranh chấp có giá trị nhỏ, ít phức tạp, các sự kiện liên quan đến tranh chấp tương đối rõ ràng ;
- Các bên có thái độ thiện chí ;
- Các bên hiểu rõ được vị trí của mình trong tranh chấp.
Thủ tục tiến hành thương lượng
Làm rõ mục đích khách hàng muốn đạt được ;
Phân tích lợi thế và bất lợi của từng bên tranh chấp;
Dự kiến các tình huống và lên phương án hoà giải;
Trao đổi thông tin, đề xuất giải pháp;
Tổ chức đàm phán trực tiếp (nếu cần thiết);
Lập biên bản hoà giải khi đạt được phương án;
Giám sát việc thực hiện phương án hoà giải.
Hoà giải – Ưu điểm và nhược điểm
Hoà giải được hiểu là việc các bên tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba, gọi là hoà giải viên thông qua thủ tục, phương án xử lý do hoà giải viên đề xuất. Thủ tục hoà giải có những ưu điểm sau đây:
Thứ nhất, các bên có quyền tự định đoạt đối với việc hoà giải. Các bên có quyền lựa chọn bất kỳ người nào người làm trung gian hoà giải cũng như địa điểm tiến hành hoà giải một cách thuận lợi nhất, phù hợp với nguyện vọng của các bên. Điều này tạo cho các nhà doanh nghiệp khả năng sắp xếp thời gian một cách hợp lý để điều hành việc kinh doanh của mình một cách tốt hơn. Họ không bị gò bó về mặt thời gian như trong thủ tục tố tụng tại Toà án.
Thứ hai, thủ tục hoà giải mang tính thân thiện. Hoà giải thực sự là cuộc trao đổi, thương lượng để đi đến dung hoà lợi ích giữa các bên với sự giúp đỡ của hoà giải viên. Hoà giải là phương thức tốt để giải quyết tranh chấp một cách thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các quan hệ kinh doanh trong thời gian dài vì lợi ích chung của cả hai bên. Hoà giải thể hiện mong muốn của các bên là dàn xếp vụ việc sao cho không có bên nào bị coi là thua cuộc, không dẫn đến tâm trạng đối đầu, thắng thua như kết cục thường diễn ra sau các quá trình kiện tụng tại toà án.
Thứ ba, việc hoà giải được thực hiện không chỉ dựa vào pháp luật mà còn kết hợp những yếu tố về văn hoá kinh doanh, mối quan hệ làm ăn giữa các bên. Hoà giải viên là người tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp đối thoại tự do, là người chuyển giao thông tin giữa các bên; giúp họ nhìn nhận được những điểm yếu/sai và điểm mạnh/đúng của mình cũng như của phía cùng đối thoại; giúp họ hiểu và phân biệt được giữa cái họ muốn và cái họ cần, xác định rõ những lợi ích ưu tiên số một mà mỗi bên cần đạt được qua giải quyết tranh chấp, từ đó tự điều chỉnh lại quan điểm, lập trường thương lượng cho thích hợp. Trong quá trình hoà giải, các quy định pháp luật cần được cân nhắc tới khi làm rõ sự kiện hay phân tích sai/đúng nhưng không phải là yếu tố quyết định, ràng buộc như trong quá trình giải quyết bằng trọng tài hay kiện tụng tại toà án. Chính vì vậy, thủ tục hoà giải được tiến hành một cách linh hoạt, không bị ràng buộc bởi quy chế, thủ tục cứng nhắc nào.
Thứ tư, hoà giải tăng cường sự tham gia trực tiếp và khả năng kiểm soát của các nhà kinh doanh đối với quá trình giải quyết cũng như đối với kết quả giải quyết tranh chấp. Nhiều tranh chấp kinh doanh, thương mại mang tính chất kỹ thuật (xây dựng, tài chính…) đòi hỏi những người tham gia giải quyết phải có đủ hiểu biết trong những lĩnh vực kinh doanh, thương mại liên quan nhưng trong thực tiễn kiện tụng tại toà, nhiều thẩm phán, luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi này. Phần lớn các tranh chấp kinh doanh không chứa đựng các yếu tố có tính nguyên tắc, đạo đức mà bản chất là vấn đề tiền, bồi thường thiệt hại – điều mà các nhà kinh doanh hoàn toàn có quyền và khả năng kiểm soát, quyết định nếu có người thứ ba giúp họ tiếp cận và thương lượng được với nhau. Trong hoà giải, một điều quan trọng khác mà các nhà kinh doanh rất quan tâm là khả năng của họ kiểm soát được việc sử dụng các tài liệu, chứng cứ có liên quan để giải quyết tranh chấp nhưng vẫn trong phạm vi bảo vệ bí mật kinh doanh – một yếu tố nhạy cảm đối với họ.
Thứ năm, thủ tục hoà giải được tiến hành nhanh gọn, chi phí thấp. Do tính chất tôn trọng tối đa quyền định đoạt của các bên nên kết quả hoà giải thực sự phụ thuộc vào ý chí cũng như lợi ích mà các bên mong muốn đạt được. Thời gian là “vàng” đối với với các nhà kinh doanh. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp phải nhanh chóng, đảm bảo hoạt động kinh doanh được liên tục, thường xuyên là một trong những đòi hỏi của các nhà kinh doanh. Bằng hoà giải có thể tập trung sự chú ý và quan tâm của các bên vào các vấn đề chính, cơ bản của nội dung tranh chấp, hạn chế tối đa sự hao phí thời gian và tiền của vào các vấn đề mang tính chất hình thức tố tụng. Tại bất kỳ thời điểm nào, nếu các bên cùng chấp nhận phương án do hoà giải viên đưa ra thì thủ tục hoà giải có thể chấp dứt, không bị buộc phải tiếp tục tham gia hoà giải. Việc hoà giải được tiến hành với chi phí cho hoà giải viên tuỳ thuộc vào quyết định của các bên, trừ trường hợp tiến hành hoà giải tại trung tâm hoà giải.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ưu điểm trên thì việc hoà giải cũng có những nhược điểm nhất định. Việc hoà giải có được tiến hành hay không phụ thuộc vào sự nhất trí của hai bên. Nếu các bên không thoả thuận được về lựa chọn hoà giải viên cũng như địa điểm, thời gian, cách thức hoà giải … thì việc hoà giải không thể được tiến hành. Một nhược điểm lớn nhất của giải quyết tranh chấp bằng hoà giải là hoà giải viên không có quyền đưa ra một quyết định ràng buộc hay áp đặt bất cứ vấn đề gì đối với các bên tranh chấp. Thoả thuận hoà giải không có tính bắt buộc như thoả thuận trọng tài, do đó trên thực tế, không có toà án nước nào lại ra lệnh đình chỉ vụ kiện chỉ vì lý do một bên không thực hiện thoả thuận hoà giải. Thoả thuận giải quyết bằng hoà giải không được bắt buộc thi hành như phán quyết của trọng tài hay của toà án. Trong quá trình hoà giải mỗi bên có quyền tước đi vai trò của bên thứ ba, thậm trí huỷ bỏ việc hoà giải ở bất cứ thời điểm nào. Chính điều này làm cho thủ tục hoà giải ít được sử dụng nếu các bên không có sự tin tưởng với nhau.
Trọng tài – Ưu điểm và nhược điểm
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một hình thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và ngày được các nhà kinh doanh ưu chuộng. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của Hội đồng trọng tài/trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành.
Trọng tài thương mại không phải do Nhà nước thành lập mà được hình thành trên cơ sở quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp; hay nói cách khác, trọng tài là cơ quan tài phán bắt nguồn từ thoả thuận trọng tài. Thông qua thoả thuận trọng tài, trọng tài thương mại được các bên tranh chấp tin tưởng và giao cho quyền thay mặt các bên tranh chấp trong việc xem xét nội dung tranh chấp và đưa ra phán quyết. Vì vậy, muốn đưa một tranh chấp ra trọng tài giải quyết thì trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp các bên phải có thoả thuận trọng tài. Điều đó có nghĩa là cơ quan trọng tài chỉ được giải quyết các vụ tranh chấp thương mại trên cơ sở có sự thoả thuận của các bên và chỉ khi vụ việc tranh chấp được các bên yêu cầu đưa ra cơ quan trọng tài nào thì cơ quan trọng tài đó mới được thụ lý và giải quyết. Đây chính là nguyên tắc quan trọng của tố tụng trọng tài, nó đảm bảo tính tối đa quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp, đồng thời cũng chỉ rõ thêm tính chất tài phán tư của hình thức giải quyết tranh chấp này.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có những ưu điểm sau đây:
Thứ nhất, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có tính linh hoạt, tạo quyền chủ động cho các bên. Các bên tranh chấp có quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài do các bên thành lập hoặc bất kỳ trung tâm trọng tài nào mà hai bên tin tưởng. Điều đó có nghĩa các bên có quyền lựa chọn hình thức trọng tài (Trọng tài thiết chế hay Trọng taì Adhoc) để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên lựa chọn trọng tài vụ việc để giải quyết tranh chấp, các bên có thể xây dựng quy tắc tố tụng riêng hoặc áp dụng quy tắc tố tụng của một trung tâm trọng tài. Trong trường hợp lựa chọn trọng tài thường trực để giải quyết tranh chấp, các bên thường tuân theo quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài mà mình đã lựa chọn. Đồng thời các bên tranh chấp cũng thoả thuận về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, lựa chọn trọng tài viên cũng như ngôn ngữ, luật áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp.
Trọng tài viên là do các bên lựa chọn, do đó, các bên có điều kiện để lựa chọn cho mình những người có năng lực, giỏi về lĩnh vực nào đó để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp không tin tưởng trọng tài viên đã chọn thì các bên tranh chấp cũng được quyền thay đổi trọng viên khác. Pháp luật chỉ can thiệp vào vấn đề này khi các bên không thoả thuận với nhau về cách thức lựa chọn trọng tài viên mà thôi. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cũng cho phép các bên có thể chủ động tính toán về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, phương thức giải quyết bằng trọng tài có tính nhanh chóng. Trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên có thể rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp bằng việc rút ngắn thủ tục tố tụng trọng tài. Khác với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Toà án, các bên không nhất thiết phải tranh luận tại phiên họp giải quyết tranh chấp mà các bên có thể trình bày các quan điểm, ý kiến của mình bằng cách đệ đơn trình các tài liệu chứng cứ. Như vậy, thủ tục Trọng tài một mặt rút ngắn được tiến trình giải quyết tranh chấp, mặt khác giúp các bên tiếp kiệm được thời gian để tập trung vào công việc kinh doanh của mình.
Thứ ba, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là tính bí mật. Trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc kín, quyết định trọng tài không được công bố công khai, rộng rãi. Đây là đặc điểm rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, vì với nguyên tắc này họ có thể giữ được bí quyết kinh doanh cũng như danh dự, uy tín của mình khi không phải đứng trước Toà. Điều này rất phù hợp với tâm lý chung của các nhà kinh doanh, tranh chấp với đối tác kinh doanh luôn là việc làm không tốt đẹp gì, một nhà kinh doanh có nhiều tranh chấp với đối tác chắc chắn sẽ để lại một dư luận xấu, ảnh hưởng đến thái độ những đối tác kinh doanh trong tương lai.
Thứ tư, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mang tính thân thiện hơn. Sự quan tâm của trọng tài viên đối với các bên là một đặc thù của trọng tài. Vấn đề này không phải vi phạm nguyên tắc “độc lập của Trọng tài viên” trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài viên làm việc nhẹ nhàng hơn, trọng tài viên có thể trao đổi đối với luật sư, lấy lời khai của các bên, bám sát tiến trình sự việc… có thể nói đây là cuộc đối thoại thực sự, chính cuộc đối thoại này làm cho cho các bên nhận rõ về nhau, hiểu nhau hơn để tìm ra một giải pháp tốt nhất cho việc giải quyết tranh chấp. Bởi vậy, sau khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên tranh chấp vẫn có thể tiếp tục làm ăn với nhau.
Thứ năm, giải quyết bằng trọng tài không bị giới hạn về mặt lãnh thổ. Trong tố tụng trọng tài không có vấn đề thẩm quyền về mặt lãnh thổ. Điều này có nghĩa là các bên tranh chấp có quyền lựa chọn bất cứ trọng tài viên nào của bất cứ Trung tâm Trọng tài kinh tế nào trên lãnh thổ quốc gia hoặc trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp cho mình. Đây là một ưu thế của trọng tài thương mại mà toà án không thể có.
Thứ sáu, phán quyết của Trọng tài có tính chất chung thẩm. Đây là một ưu thế của trọng tài so với các hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải. Sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì các bên không có quyền kháng cáo trước bất kỳ một tổ chức hoặc Toà án nào (trừ trường hợp vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trọng tài). Đây là một ưu thế xuất phát từ bản chất của trọng tài, quyết định của Trọng tài được đưa ra trên cơ sở của một thoả thuận của các bên, do đó khi có phán quyết của Trọng tài thì các bên bắt buộc phải thi hành. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh không bị kéo vào vòng kiện tụng, tốn kém tiền bạc và thời gian như ở Toà án. Trong phương thức giải quyết bằng trọng tài có bên thứ ba độc lập quyết định tranh chấp của các bên bằng cách ra phán quyết của mình và phán quyết đó là phán quyết cuối cùng và bắt buộc các bên phải thi hành.
Tuy còn có một số nhược điểm nhất định như việc giải quyết bằng trọng tài đòi hỏi chi phí tương đối cao, vụ giải quyết càng kéo dài thì phí trọng tài càng cao; việc thi hành quyết định trọng tài không phải lúc nào cũng trôi chảy, thuận lợi như việc thi hành bản án, quyết định của Toà án … nhưng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại kết hợp hài hoà những ưu thế của các phương thức giải quyết tranh chấp khác đã ngày càng được sự ưa chuộng của các nhà kinh doanh.
Một số đề xuất, kiến nghị trong áp dụng pháp luật trọng tài thương mại
Qua 12 năm áp dụng Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (TTTM) cho thấy Luật TTTM đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và hoạt động trọng tài ngày càng được cộng đồng quan tâm và đón nhận nhiều hơn. Số vụ tranh chấp tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế áp dụng đạo luật này cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện, cụ thể: Vấn đề thẩm quyền của trọng tài và quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam; Quy định “Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” tại Điều 2 khoản 2 Luật TTTM chưa được hiểu thống nhất; Luật TTTM bên cạnh việc trao cho HĐTT một số thẩm quyền, đặc biệt là ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tuy nhiên lại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên tranh chấp là điều không phù hợp với thực tiễn trọng tài quốc tế.
Trên thế giới hiện nay, các quốc gia đang có nhiều chính sách ưu tiên thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển. Một số quốc gia có tham vọng trở thành trung tâm giải quyết tranh chấp của thế giới như Singapore, Hàn Quốc… Với sự hậu thuẫn của Chính phủ một số trung tâm trọng tài trong khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc… đang ngày càng lan rộng tầm ảnh hưởng. Toà án nhiều quốc gia đều có các chính sách ủng hộ trọng tài, theo đó, để tôn trọng sự độc lập của tố tụng trọng tài thì toà án chỉ can thiệp khi trọng tài cần sự hỗ trợ và giảm thiểu tối đa những can thiệp tiêu cực, đặc biệt là vấn đề huỷ phán quyết trọng tài.
Luật TTTM được đánh giá là một bước tiến tích cực nhằm xây dựng cơ chế TTTM tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Luật TTTM đã tiếp thu được những nguyên tắc cơ bản nhất về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trên thế giới và trong Luật Mẫu UNCITRAL. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, hiện nay vẫn còn một số vấn đề bất cập trong việc áp dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại như: Trong các vụ việc liên quan đến trọng tài quốc tế, việc lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài đồng nghĩa với việc lựa chọn luật của quốc gia tại nơi tiến hành trọng tài. Đây là điều mà Luật TTTM chưa xác định rõ; Lý do hủy quyết định trọng tài thường ở dạng “trừu tượng” nên nguy cơ một bên yêu cầu tòa án can thiệp để làm chậm việc thi hành quyết định trọng tài vì trong khi xem xét hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết này không thể được thi hành.
Cần sớm sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại 2010 theo các tiêu chuẩn Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế. “Luật Mẫu UNCITRAL được coi là tiêu chuẩn vàng về trọng tài thương mại, UNCITRAL liệt kê Danh sách 83 quốc gia trên thế giới áp dụng Luật Mẫu UNCITRAL, Việt Nam không có tên. Việc được liệt kê vào danh sách quốc gia Luật Mẫu UNCITRAL giúp tăng tính hấp dẫn của hoạt động trọng tài của quốc gia, tạo môi trường pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn, thúc đẩy trọng tài và các dịch vụ bổ trợ phát triển.
Cần hướng dẫn cụ thể về các căn cứ hủy phán quyết trọng tài đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế xét lại quyết định của Toà án đối với quyết định huỷ phán quyết của Trọng tài thương mại. Luật sư Đặng Thành Chung cũng cho rằng, cần loại bỏ quy định hạn chế quyền lựa chọn luật áp dụng đối với các bên tranh chấp là công dân Việt Nam vì quy định này trái với nguyên lý về sự phụ thuộc của việc xác định luật áp dụng vào kết quả của sự lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài.
Ngoài ra, quá trình áp dụng pháp luật không tránh khỏi các xung đột ngay chính trong bản thân pháp luật nội dung và giữa các quy định của pháp luật hình thức và các quy tắc do các bên lựa chọn, thỏa thuận áp dụng. Việc lý giải và lựa chọn quy định giải quyết xung đột là điều hết sức quan trọng, quyết định đến nội dung của vụ án, cũng như ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trọng tài nước ngoài hay trọng tài trong nước để giải quyết tranh chấp, điều này đồng nghĩa với khả năng dẫn đến những hệ quả bất lợi cho phía Việt Nam. Do đó, cần thiết sớm xây dựng những quy định mang tính nguyên tắc để giải quyết xung đột pháp luật giữa các hệ thống trong tố tụng trọng tài thương mại.
Xem thêm: