Tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp là vấn đề phổ biến nhưng phức tạp, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và sự phát triển bền vững của công ty. Việc hiểu rõ các loại tranh chấp, nguyên nhân và cách giải quyết không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan mà còn đảm bảo sự ổn định của doanh nghiệp.
Thế nào là tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khái niệm tranh chấp nội bộ doanh nghiệp có thể được hiểu chính là tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Các tranh chấp nội bộ thường gặp trong doanh nghiệp
Tranh chấp giữa công ty và các cổ đông, thành viên công ty
Hiện nay, hầu hết các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp giữa công ty và các cổ đông, thành viên công ty đều sẽ xuất phát từ việc phía người sử dụng lao động hoặc người lao động không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình, từ đó dẫn đến việc bên còn lại không được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.
Theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, người lao động sẽ có các nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, tại Điều 6, người sử dụng lao động sẽ có các nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Hầu hết, các tranh chấp xảy ra giữa công ty và cổ đông, thành viên công ty sẽ là tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mà trong đó, nguyên nhân chính là việc do các bên không nắm rõ quy định pháp luật, từ đó không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng quyền lợi bên còn lại.
Tranh chấp giữa người quản lý công ty và các cổ đông, thành viên công ty
Đối với tranh chấp nội bộ doanh nghiệp giữa người quản lý công ty và các cổ đông, thành viên công ty, quan hệ tranh chấp này thường phát sinh từ việc người quản lý không nắm rõ pháp luật, hoặc cũng có thể do chính bản thân người quản lý đó đã đặt bản thân mình lên trên các nguyên tắc, quy định của công ty.
Từ đó, người quản lý dễ dàng đưa ra các quyết định không phù hợp quy định của công ty hoặc quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, thành viên công ty.
Tranh chấp giữa các cổ đông, thành viên công ty với nhau
Đối với tranh chấp nội bộ doanh nghiệp giữa các cổ đông với nhau, tranh chấp này sẽ thường phát sinh trên cơ sở về quyền không đồng đều giữa các cổ đông với nhau. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông phổ thông có quyền sau đây:
a) Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
c) Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;
e) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;
g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:
a) Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
b) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;
d) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Đặc biệt, đối với điểm d) của Khoản 2: “Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.”. Việc này sẽ dễ dẫn đến tình trạng quyền lợi giữa các cổ đông phổ thông với mức sở hữu số cổ phần phổ thông khác nhau sẽ có sự chênh lệch lớn theo Điều lệ công ty. Từ đó, sẽ dễ dẫn đến phát sinh việc tranh chấp nội bộ doanh nghiệp giữa các cổ đông với nhau.
Tranh chấp về quyền và lợi ích của các thành viên, cổ đông, quyền đề cử, ứng cử vào các vị trí quản lý trong công ty
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thực hiện như sau:
a) Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;
b) Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.
Theo đó, các cổ đông khi đáp ứng đủ điều kiện sẽ có thể hợp thành nhóm để đề cử người vào hội đồng quản trị của công ty. Tuy nhiên, không phải việc đề cử lúc nào cũng sẽ được sự đồng thuận của tất cả các nhóm cổ đông cả.
Tùy vào tình hình nội bộ và nhu cầu của từng nhóm cổ đông khác nhau, sẽ xảy ra trường hợp các nhóm cổ đông đề cử những người khác nhau vào cùng 1 vị trí. Từ đó, tranh chấp nội bộ doanh nghiệp sẽ dễ xảy ra do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông khác nhau.
Tranh chấp nội bộ là một phần không thể tránh khỏi trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý và quản trị, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh. Việc tuân thủ pháp luật, xây dựng điều lệ công ty rõ ràng và minh bạch, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia pháp lý, sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Xem thêm: