BẢN ÁN 147/2019/DS-ST NGÀY 27/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC.
Lập luận của HĐXX:
Sự nhầm lẫn về diện tích quyền sử dụng đất từ việc mua bán, chuyển nhượng trong giấy tờ là 280m2 xuống diện tích thực tế được phép chuyển nhượng, mua bán 196m2 đẫn đến mục đích ký kết hợp đồng đặt cọc (để ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua bán nhà) giữa hai bên không thực hiện được; tại thời điểm xét xử các bên không khắc phục được sự nhầm lẫn trên và không thỏa thuận được việc tiếp tục ký kết, lập hồ sơ sang tên việc mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nhà số AA đường TD, thành phố TK.
Theo đó, căn cứ Điều 126 Bộ luật dân sự, Hội đồng xét xử xác định giao dịch đặt cọc thể hiện bằng “Giấy tạm ứng tiền” của các bên lập ngày 30 tháng 3 năm 2019 vô hiệu do bị nhầm lẫn. Do giao dịch bị vô hiệu nên Hội đồng xét xử không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc, lập thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà số AA đường TD, thành phố TK.
[2.1.2]. Về yêu cầu trả lại tiền đặt cọc: Khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự quy định “Khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Theo đó, Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung yêu cầu này của nguyên đơn, buộc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc đã nhận là 200.000.000 đồng.
[2.1.3]. Về yêu cầu phạt cọc: Vì giao dịch đặt cọc bị vô hiệu, không làm phát sinh nghĩa vụ bị phạt cọc của các bên khi ký kết giao dịch nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu phạt cọc của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải thanh toán tiền phạt cọc cho nguyên đơn 200.000.000 đồng.
[2.1.4]. Về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu: Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã giải thích rõ Điều 126 Bộ luật dân sự năm 2015, quyền của các bên về yêu cầu giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu; hướng dẫn nguyên đơn xác định các hậu quả có thể xảy ra như: Tiền lãi phát sinh đối với khoản tiền mà nguyên đơn đã giao cho bị đơn; khoản lợi nhuận thực tế bị mất khi nguyên đơn không thực hiện thành công giao dịch. Nhưng, nguyên đơn khẳng định giá trị tài sản giao dịch tại thời điểm xét xử giảm so với giá trị tại thời điểm thỏa thuận đặt cọc nên không có khoản lợi nhuận thực tế bị mất tại thời điểm xét xử sơ thẩm; khẳng định chỉ yêu cầu phạt cọc, không yêu cầu bồi thường thiệt hại về tiền lãi đối với khoản tiền 200.000.000 đồng mà bị đơn đã nhận và cũng không có yêu cầu giải quyết hậu quả nào khác phát sinh từ giao dịch dân sự vô hiệu. Phía bị đơn khẳng định không yêu cầu giải quyết hậu quả khi giao dịch dân sự bị vô hiệu.
Theo đó, do đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả khi giao dịch dân sự vô hiệu nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự, tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, không xem xét, giải quyết phần hậu quả phát sinh khi giao dịch đặt cọc giữa các bên bị vô hiệu.
Tham khảo chi tiết bản án TẠI ĐÂY.