Trong tố tụng dân sự, bên cạnh việc chuẩn bị chứng cứ, luật sư, thủ tục tòa án, việc đánh giá án phí và lệ phí tố tụng cũng rất quan trọng. Việc hiểu rõ quy định về án phí, lệ phí sẽ giúp đương sự chuẩn bị tài chính và quyết định hình thức giải quyết tranh chấp phù hợp.
Phân biệt án phí và lệ phí trong tố tụng dân sự
Án phí
Án phí là khoản tiền mà đương sự phải nộp khi Tòa án giải quyết một vụ án dân sự, bao gồm:
- Án phí sơ thẩm: Nộp khi xét xử sơ thẩm.
- Án phí phúc thẩm: Nộp khi kháng cáo và xét xử ở cấp phúc thẩm.
Án phí có thể chia thành hai loại:
- Án phí không có giá ngạch: Áp dụng với các vụ án không xác định được giá trị tranh chấp (ví dụ: tranh chấp quyền sử dụng đất không có yêu cầu bồi thường cụ thể).
- Án phí có giá ngạch: Áp dụng với các vụ án có yêu cầu bồi thường tiền hoặc tài sản có giá trị cụ thể.
Lệ phí Tòa án
Lệ phí là khoản tiền phải nộp khi đương sự có yêu cầu giải quyết một vấn đề tại Tòa án nhưng không liên quan đến việc xét xử vụ án, bao gồm:
- Lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự (công nhận thỏa thuận ly hôn, tuyên bố một người mất tích, giám hộ…).
- Lệ phí kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án.
- Lệ phí công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Ai phải chịu án phí, lệ phí trong tố tụng dân sự?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, nghĩa vụ chịu án phí, lệ phí được xác định như sau:
– Nguyên đơn (người khởi kiện) phải nộp tạm ứng án phí khi nộp đơn khởi kiện.
– Bị đơn (người bị kiện) phải chịu án phí nếu bị Tòa án tuyên thua kiện.
– Người kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm nếu kháng cáo không được chấp nhận.
– Nếu các bên hòa giải thành, có thể thỏa thuận về việc chịu án phí hoặc do Tòa án quyết định.
– Trong vụ án lao động, người lao động được miễn án phí khi khởi kiện.
– Người thuộc diện miễn, giảm án phí theo quy định (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật…) không phải chịu án phí hoặc được giảm theo quy định.
Án phí, lệ phí dân sự sơ thẩm trong tố tụng dân sự
Án phí dân sự sơ thẩm
– Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch: 300.000 đồng
– Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch: 3.000.000 đồng
– Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch:
- Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
- Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
– Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch
- Từ 60.000.000 đồng trở xuống: 3.000.000 đồng
- Từ trên 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% của giá trị tranh chấp
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
- Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng
– Đối với tranh chấp về lao động có giá ngạch
- Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 3% giá trị tranh chấp, nhưng không thấp hơn 300.000 đồng
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 12.000.000 đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
- Từ trên 2.000.000.000 đồng: 44.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
Án phí dân sự phúc thẩm
Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động: 300.000 đồng.
Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại: 2.000.000 đồng
Lệ phí Tòa án
- Lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động: 300.000 đồng
- Lệ phí phúc thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động: 300.000 đồng
Án phí và lệ phí là yếu tố quan trọng cần lên kế hoạch từ sớm khi tham gia tố tụng. Bằng cách nắm rõ quy định và tận dụng các chính sách miễn giảm, bạn có thể giảm thiểu gánh nặng tài chính, tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng. Việc tham vấn luật sư tư vấn sẽ giúp bạn dự liệu chi phí hợp lý và có chiến lược tố tụng hiệu quả hơn.
Xem thêm: