Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0, nhu cầu học ngoại ngữ và tin học tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Điều này thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt trung tâm đào tạo. Tuy nhiên, từ năm 2025, các quy định pháp lý về việc thành lập và vận hành trung tâm ngoại ngữ, tin học đã có nhiều thay đổi. Bài viết này phân tích chi tiết các yêu cầu pháp lý mới, giúp nhà đầu tư và quản lý trung tâm nắm rõ thủ tục, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, tránh rủi ro khi triển khai.
Điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ và trung tâm tin học là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 Nghị định 125/2024/NĐ-CP như sau:
“Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên
1. Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Điều 42 của Luật Giáo dục.
2. Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên gồm: Trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm ngôn ngữ và văn hóa; trung tâm giáo dục kỹ năng sống; trung tâm bồi dưỡng kiến thức, văn hóa, nghệ thuật và các trung tâm khác thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc, cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống đáp ứng nhu cầu người học.”
Theo đó, điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học công lập hoặc tư thục Điều 43 Nghị định 125/2024/NĐ-CP như sau:
- Có địa điểm, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm.
- Có chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của từng chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm.
Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học như thế nào?
Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập
- Hội đồng đại học, học viện; hội đồng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quyết định thành lập trung tâm trong khuôn viên nhà trường;
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập trung tâm trực thuộc; cho phép thành lập các trung tâm trực thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên nhà trường; cho phép thành lập các trung tâm theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.
Hồ sơ gồm:
- Tờ trình đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm (theo Mẫu số 01 Phụ lục I kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP );
- Đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm (theo Mẫu số 02 Phụ lục I kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP);
- Bản sao các văn bản pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc hợp đồng thuê địa điểm trung tâm;
- Đối với trung tâm trực thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên nhà trường và trung tâm do tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập phải có văn bản pháp lý xác nhận về số tiền đầu tư thành lập trung tâm, bảo đảm tính hợp pháp, phù hợp với quy mô dự kiến tại thời điểm đề nghị thành lập trung tâm;
- Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm, gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm; tổ chức, bộ máy của trung tâm; Tổ chức hoạt động giáo dục trong trung tâm; Nhiệm vụ và quyền của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và người học; Tài chính và tài sản của trung tâm; Các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của trung tâm.
Trình tự thực hiện:
- Nhà trường, tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ quy qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa cho nhà trường, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm;
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trung tâm; lập báo cáo thẩm định để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định tại Điều 43 Nghị định 125/2024/NĐ-CP;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên;
Nếu chưa đủ điều kiện thì thông báo bằng văn bản cho nhà trường, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm và nêu rõ lý do.
Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc mở trung tâm ngoại ngữ và trung tâm tin học là một cơ hội kinh doanh tiềm năng, nhưng cũng đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Các cá nhân, tổ chức có ý định đầu tư vào lĩnh vực này cần tìm hiểu kỹ các quy định về thủ tục cấp phép, tiêu chuẩn cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để đảm bảo hoạt động hợp pháp và phát triển bền vững.
Nếu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý chi tiết, hãy liên hệ với luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để đảm bảo quá trình mở trung tâm diễn ra suôn sẻ và đúng quy định pháp luật.
Xem thêm: