Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại Tòa án đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại số hóa. Những tiến bộ này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình tố tụng mà còn nâng cao hiệu quả, tính minh bạch và khả năng tiếp cận công lý của người dân.
Trợ lý ảo – Thư ký cho các thẩm phán: Ứng dụng công nghệ thông tin trong Tòa án
Trong những năm gần đây, Tòa án đã triển khai hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công khai bản án và án lệ trên cổng thông tin điện tử. Tính đến nay, đã có hơn 160.000 văn bản pháp luật, hơn 1 triệu bản án, quyết định và nhiều án lệ được công bố, thu hút hơn 100 triệu lượt truy cập, cùng hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý.
Tòa án nhân dân Tối cao tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số với việc triển khai 4 ứng dụng, bao gồm:
- Trợ lý ảo
- Trung tâm giám sát điều hành Tòa án nhân dân Tối cao
- Nền tảng xét xử trực tuyến
- Trung tâm tư liệu và Thư viện
Các ứng dụng này tạo nên một hệ sinh thái tri thức số, hỗ trợ Thẩm phán và Thư ký nghiên cứu, học hỏi nhằm nâng cao năng lực.
Trợ lý ảo – Điểm nhấn công nghệ là một phần mềm hiện đại, được đánh giá là bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin. “Trợ lý ảo” đóng vai trò như một thư ký chuyên nghiệp, cung cấp thông tin pháp luật và tư vấn pháp lý cho Thẩm phán.
Trợ lý ảo cung cấp 4 dịch vụ chính:
- Giới thiệu các điều luật và hệ thống luật liên quan để áp dụng.
- Cung cấp án lệ liên quan đến vụ án để tham khảo.
- Hỗ trợ giải đáp các vấn đề nghiệp vụ.
- Đưa ra các vụ án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo.
“Trợ lý ảo” có khả năng tìm kiếm nhanh thông tin dựa trên câu hỏi hoặc khẩu lệnh. Nó hỗ trợ Thẩm phán trong việc tra cứu pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo từng giai đoạn và tình huống cụ thể.
“Trợ lý ảo” được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đoán định tư pháp. Khi nhập dữ liệu về tình huống pháp lý, hệ thống có thể xác định tội danh hoặc loại tranh chấp liên quan. Người dân và Thẩm phán có thể tham khảo kết quả này để quyết định hướng xử lý tiếp theo, chẳng hạn như khởi kiện, hòa giải, hoặc sử dụng trọng tài.
Ngoài ra, việc xây dựng “Trợ lý ảo” giúp số hóa tri thức từ kinh nghiệm của Thẩm phán và cán bộ ngành Tòa án, tạo nguồn tài nguyên để các thế hệ sau kế thừa.
Tòa án điện tử – Xét xử trực tuyến: Ứng dụng công nghệ thông tin trong Tòa án
Xét xử trực tuyến đã được triển khai tại tòa án các cấp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.
Việc đưa vào sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án. Điều này khẳng định lợi ích tích cực của hoạt động xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam đối với việc thực hiện chức năng của Tòa án và chất lượng phục vụ người dân và xã hội, như:
- Giúp tăng năng suất lao động của Tòa án. Nhiều hoạt động tố tụng được tự động hóa hoặc tiến hành trực tuyến, nên tiết kiệm nhân lực, vật lực và thời gian, qua đó, tăng năng suất lao động của hoạt động tư pháp.
- Hỗ trợ Thẩm phán ra phán quyết chính xác. Thay vì tác nghiệp thủ công, việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn giúp Thẩm phán và Thư ký Tòa án tra cứu văn bản quy phạm pháp luật, xử lý hồ sơ nhanh hơn, chính xác hơn.
- Công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án. TAĐT cho phép tăng cường công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động tố tụng, tiến độ và kết quả xét xử để người dân theo dõi, giám sát quá trình tố tụng, qua đó nâng cao uy tín của Tòa án với Nhân dân.
- Tăng cường năng lực quản lý và giám sát trong hệ thống Tòa án. Các hoạt động tố tụng và hành chính – tư pháp trong toàn hệ thống Tòa án được quản lý theo thời gian thực; công tác quản lý, giám sát, điều hành hoạt động của hệ thống Tòa án được tiến hành kịp thời, hiệu quả; tăng cường tính minh bạch và phòng ngừa tiêu cực.
- Tiết kiệm cho ngân sách. Theo ước tính của các chuyên gia, với việc triển khai TAĐT và các giải pháp đồng bộ khác sẽ tiết kiệm từ 10% đến 15% chi phí hoạt động của Tòa án và chi phí xã hội. Đặc biệt, chi phí mà người dân phải chi trả khi tham gia tố tụng cũng giảm đáng kể, do không phải trực tiếp đến trụ sở Tòa án và thực hiện các hoạt động tố tụng qua giao thức điện tử.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Tòa án không chỉ là một xu hướng mà còn là một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa hệ thống tư pháp. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, ngành tư pháp và sự đồng lòng của xã hội.
Xem thêm: