Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các tranh chấp thương mại quốc tế ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp. Việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp này tại Tòa án Việt Nam không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan mà còn góp phần nâng cao uy tín của hệ thống tư pháp Việt Nam trên trường quốc tế. Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều quy định mới nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án
Thẩm quyền theo loại việc của Tòa án
Điều 30, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:
“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”
Thẩm quyền Toà án khi giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế không chỉ được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 cũng quy định về thẩm quyền xét xử của Toà án Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến hàng hải quốc tế, theo quy định tại khoản 2 điều 5: Quyền thoả thuận trong hợp đồng.
“2. Các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong quan hệ hợp đồng và chọn Trọng tài, Tòa án ở một trong hai nước hoặc ở một nước thứ ba để giải quyết tranh chấp”
Thẩm quyền theo cấp xét xử của Tòa án
Thẩm quyền theo cấp xét xử của tòa án là giới hạn do pháp luật quy định để tòa án các cấp thực hiện chức năng giải quyết các tranh chấp thương mại. Thông thường thẩm quyền của tòa án các cấp được phân chia căn cứ vào giá trị tranh chấp, tính chất của sự việc và khả năng, điều kiện của từng cấp tòa án. Tại Việt Nam hệ thống Toà án nhân dân được phân chia theo địa giới hành chính lãnh thổ tương ứng với ba cấp thẩm quyền: TAND cấp huyện; TAND cấp tỉnh, TAND tối cao.
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ là giới hạn (khả năng) do pháp luật quy định xác định chức năng giải quyết các vụ việc Kinh doanh thương mại của tòa án theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ quy định tòa án có nghĩa vụ giải quyết các vụ việc Kinh danh thương mại theo yêu cầu của đương sự khi khởi kiện.
Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ tại Việt Nam trong giải quyết tranh chấp thượng mại quốc tế được xác định: nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là tổ chức, cơ quan; theo sự lựa chọn của đương sự; đối với tranh chấp liên quan đến bất động sản thì tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi có bất động sản.
Cách thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án
Theo Điều 191 BLTTDS 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án.
Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai, khách quan.
Xem thêm:
- Thủ tục khởi kiện trong tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án: Các quy định mới năm 2025
- Giải quyết tranh chấp qua trọng tài và tòa án: So sánh thủ tục và xu hướng giải quyết tranh chấp tại Việt Nam năm 2025
- Tòa án và thủ tục giải quyết tranh chấp trong các dự án đầu tư hạ tầng: Cập nhật các quy định mới năm 2025