Trong hoạt động trọng tài tại Việt Nam, việc xác định thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động trọng tài là một bước quan trọng nhằm đảm bảo đúng quy trình giải quyết tranh chấp. Tòa án có thể can thiệp vào các khâu trong quá trình trọng tài như công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài, huỷ phán quyết trọng tài, và một số công việc khác theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền của Tòa án về hủy phán quyết trọng tài
Theo Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài ban hành phán quyết trọng tài đó. Điều này có nghĩa là, khi có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, tòa án cấp tỉnh tại địa phương nơi phán quyết trọng tài được ban hành sẽ chịu trách nhiệm xét xử yêu cầu này.
Tòa án xem xét hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.
Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
- Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại;
- Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
- Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
- Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Thẩm quyền của tòa án trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài
Theo Luật Trọng tài thương mại 2010 và các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án có thẩm quyền công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bên bị yêu cầu công nhận và cho thi hành có trụ sở hoặc nơi cư trú (trong trường hợp là cá nhân). Trường hợp bên bị yêu cầu không có trụ sở hoặc nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật Trọng tài thương mại, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật Trọng tài thương mại.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tào án theo quy định Luật Trọng tài thương mại
Khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại thì Tòa án yêu cầu một hoặc các bên cho biết tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện để xác định vụ tranh chấp đó có thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
- Trường hợp tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định, phán quyết có hiệu lực pháp luật của Trọng tài xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
- Trường hợp tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại thì Tòa án căn cứ vào Bộ luật tố tụng dân sự để trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Trường hợp sau khi thụ lý vụ án Tòa án mới phát hiện vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại thì Tòa án căn cứ quy định tại BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện. - Trường hợp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài đang giải quyết vụ tranh chấp thì dù Tòa án nhận thấy tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài hoặc tuy đã có thoả thuận trọng tài nhưng thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp Tòa án đã thụ lý thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trừ trường hợp Tòa án thụ lý vụ tranh chấp trước khi có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:
- Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Luật TTTM thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật TTTM để từ chối thụ lý, giải quyết.
- Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
Việc xác định tòa án có thẩm quyền đúng cách giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài diễn ra thuận lợi, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia trọng tài.
Xem thêm: