Chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Ban Doanh nhân & Pháp luật và Pháp luật Media – Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức Talk Show với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt & nỗ lực xây dựng cộng đồng đắc nhân tâm”.
Doanh nghiệp, doanh nhân được coi là đội ngũ, lực lượng có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Theo thời gian, đội ngũ này ngày càng lớn mạnh và tỏ rõ vai trò, trọng trách của mình với xã hội, cộng đồng. Và hơn bao giờ hết, họ vẫn luôn trau dồi, hướng tới cộng đồng, xã hội, với một tinh thần “Đắc nhân tâm” cao cả…
Chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Ban Doanh nhân & Pháp luật và Pháp luật Media – Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình Talk Show với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt & nỗ lực xây dựng cộng đồng đắc nhân tâm”… Đây cũng xem như món quà ý nghĩa những người làm chương trình dành tặng quý doanh nghiệp nhân ngày trọng đại này!
Trong talk Show với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt & nỗ lực xây dựng cộng đồng đắc nhân tâm”, các vị khách mời sẽ cùng trao đổi về vai trò của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng “đắc nhân tâm”, nhằm mang lại giá trị không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội.
Talk Show “Doanh nghiệp Việt & nỗ lực xây dựng cộng đồng đắc nhân tâm” có sự hiện diện của:
– Tiến sĩ Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
– TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính Quốc tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu.
– Ông Vũ Đức Sỹ – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Diligo.
– Ông Lưu Tiến Dũng – Nhà sáng lập Hãng luật La Défense.
– Bà Phạm Mộc Trang – Founder & CEO Phạm Mộc Trang Group.
Theo ban tổ chức, phải khẳng định rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời có những đóng góp tích cực cho xã hội. Những nỗ lực của họ thật đáng tôn vinh, trân trọng.
– MC: Thưa quý vị khách mời, theo các vị, khái niệm “Đắc nhân tâm” trong kinh doanh có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội hiện nay?
– TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đắc nhân tâm là một khái niệm bắt nguồn từ cuốn sách của một tác giả nổi tiếng người Mỹ, xuất bản năm 1930 – Với tựa dịch sang tiếng Việt là “làm sao có thể lấy được lòng người.”
Đắc nhân tâm là được lòng người – là một phương cách giao tiếp, từ đó tạo ra giá trị cho hai bên.
Trong thời đại mới, đắc nhân tâm không phải chỉ là tìm cách để đồng thuận, mà là sự hài hợp giữa các đối tác, các thành phần kinh tế để đạt được lợi ích chung. Ví như khi chúng ta đang ngồi đây, thế giới đang có cuộc xung đột, chính trị ngày càng phức tạp. Trong thế giới phức tạp, phân cực như thế, rất cần thiết phải tạo sự hài hòa giữa các bên. Nhân ngày doanh nhân, chúng ta phải thừa nhận vấn đề đắc nhân tâm rất nóng, rất cần thiết trong kinh doanh, cũng như trong cuộc sống.
– Tiến sĩ Vũ Hoài Nam: Tiến sỹ Hiếu cũng đã nói rất rõ về vấn đề này. Tôi cũng đã đọc cuốn sách tiến sỹ Hiếu nhắc đến. Tôi thấy việc dịch sang tiếng Việt rất hay. Theo tôi, không nên tìm một định nghĩa rõ ràng về cụm từ “đắc nhân tâm”. Mà “đắc nhân tâm” chính là một lối ứng xử. Đắc nhân tâm nó chính là sự thu hút, sự ảnh hưởng lẫn nhau, giữa người với người, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp….
Đối với văn hóa của người phương Đông, sự chia sẻ, thấu hiểu luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đất nước Việt Nam, nếu kinh doanh không đặt vào vị trí của người khác, sẽ không có sự gắn bó lâu dài. Với các doanh nghiệp thành công, tôi nghĩ các vị lãnh đạo đã rất thành thục trong vấn đề đắc nhân tâm. Ý nghĩa của đắc nhân tâm trong hoạt động kinh doanh vô cùng quan trọng. Trong tương lai, tôi tin rằng vấn đề này càng thể hiện rõ vai trò.
– Ông Vũ Đức Sỹ: Là người sáng lập công ty, khi mới ra trường, tôi có đi làm ở một số công ty nước ngoài, rồi đi nhiều quốc gia để học tập, nghiên cứu… Tôi đã mang nhiều mô hình của phương Tây nhưng không thành công, Và tôi đã quay về với đắc nhân tâm của phương Đông.
Tôi nhận ra, chữ đắc nhân tâm rất hay, rất sâu sắc.
Tôi đã thay đổi tầm nhìn và tư duy. Từ tâm của mình nhìn ra thì tập thể đoàn kết, gia đình êm ấm.
Trong công ty của chúng tôi, đạt được rất nhiều quy tắc chung, nhờ thuật “đắc nhân tâm”.
Tôi đã mang tư tưởng của đức Phật áp dụng vào cuộc sống, trong đó quan trọng nhất là cái tâm của mình. Người lãnh đạo phải có tâm an vui, như vậy mới thu hút được sự đồng lòng của các nhân viên.
– MC: Các doanh nghiệp cần làm gì để có thể xây dựng cộng đồng doanh nghiệp không chỉ dựa trên lợi nhuận mà còn mang lại giá trị cho xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững?
– Ông Lưu Tiến Dũng: Đây là câu hỏi khó. Nếu đứng từ chiều dài hoạt động kinh tế thị trường, chúng ta thấy doanh nhân phải đối diện với rất nhiều thứ. Đến ngày hôm nay, kinh tế Việt Nam đã bắt kịp với nhiều nền kinh tế. Chúng ta không chỉ dừng lại ở giá trị hữu hình, mà còn là những giá trị vô hình, những giá trị cho cộng đồng.
Nói đơn giản hơn, đó là đối nội, đối ngoại. Khi nào doanh nghiệp thỏa mãn 2 vấn đề đó, chúng ta mới có những doanh nghiệp lớn.
Để đạt được điều đó, là ở tầm nhìn của lãnh đạo. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn cho sự phát triển của doanh nghiệp, cho từng bước phát triển của doanh nghiệp.
Tôi rất thần tượng những câu nói của Bác. Ở trong giai đoạn khó khăn, Người đã nghĩ được những vấn đề rất lớn. Đó chính là tầm nhìn của vỹ nhân, tầm nhìn của nhà lãnh đạo.
Như chia sẻ của anh Sỹ, tôi thấy đó là một cách hay, để những người trong doanh nghiệp thấy công ty là một gia đình, đó chính là sức mạnh, sự thành công của doanh nghiệp.
– Bà Phạm Mộc Trang: Tôn chỉ kinh doanh của chúng tôi là kinh doanh tử tế, kinh doanh hạnh phúc. Mục tiêu xuyên suốt sẽ là 3 thắng: Đối tác thắng, doanh nghiệp thắng, khách hàng thắng. Với văn hoá công ty là : “Đền đáp tiếp nối”. Đem lại giá trị bền vững, cốt lõi cả về vật chất, lẫn giá trị nhân văn.
– MC: Thưa Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, là Tổng Biên tập của một cơ quan báo chí lớn, ông đã có nhiều năm theo dõi sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Xin ông cho biết:
“Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp ngày càng bền chặt. Là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã có những hoạt động gì để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững và thực hiện các giá trị nhân văn trong kinh doanh?
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam: Chúng tôi hoạt động với phương châm: Đảng tin, dân yêu, doanh nghiệp đồng hành. Chúng tôi rất nỗ lực truyền thông những giá trị nhân văn của doanh nghiệp, tạo nên sự gắn kết giữa doanh nghiệp với bạn đọc.
Đây không phải chỉ là truyền thông những sản phẩm, dịch vụ của họ, mà là những giá trị nhân văn của họ. Đây chính là vấn đề Đắc nhân tâm của doanh nghiệp với khách hàng.
– MC: Thưa TS. Nguyễn Trí Hiếu, thực tế cho thấy, tài chính có ý nghĩa vô cùng lớn đối với nền kinh tế cũng như mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì chưa mấy quan tâm và chưa đủ kiến thức về quản trị tài chính, không ít doanh nghiệp đã bị nhấn chìm khi gặp “sóng to, gió lớn”, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Vậy theo TS, trong lĩnh vực tài chính, đâu là “điểm yếu” cố hữu của doanh nghiệp Việt? Làm thế nào để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho doanh nghiệp trong hoàn cảnh này, thưa TS?
– TS. Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp ở đâu cũng có tiêu cực, điều tôi nhìn thấy là đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó khăn. Có rất nhiều tồn tại về tài chính trong các doanh nghiệp. Chúng ta đang tìm sự đồng thuận để phát triển chung. Để làm được điều này, chúng ta phải tôn trọng pháp luật, không phải là tìm cách lách luật. Khi tôn trọng pháp luật, chúng ta sẽ có sự phát triển bền vững.
Vấn đề thứ 2, cơn bão vừa rồi đã gây ra tổn thất rất lớn. Tôi nghĩ các doanh nghiệp lớn, chính phủ cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp họ vực dậy.
Hiện tại các ngân hàng đang cố gắng ổn định các doanh nghiệp, Nợ xấu sau cơn bão vừa rồi sẽ tăng mạnh. Tôi hy vọng chính phủ sẽ sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.
Để phát triển bền vững, doanh nghiệp phải phục vụ cho nhu cầu nội địa. Việt Nam có độ mở rộng rất lớn với thị trường thế giới. Nhưng cũng chứng tỏ sự lệ thuộc của thị trường Việt Nam vào thị trường thế giới.
Nếu Việt Nam quá lệ thuộc vào ngoại thương sẽ không tốt, cần phải tập trung vào thị trường cho nội địa.
MC: Với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Diligo, ông đã áp dụng những chiến lược nào để phát triển cộng đồng doanh nhân với tư duy “đắc nhân tâm” và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp hướng đến giá trị con người?
– Ông Vũ Đức Sỹ: Để doanh nghiệp của chúng tôi phát triển trường tồn, tôi đã viết ra cuốn 8 nền tảng của công ty dựa trên tinh thần của đạo Phật. Các nền tảng này chúng tôi luôn xác định với tinh thần cộng hưởng, không bon chen, luôn hỗ trợ nhau, hướng tới cộng đồng.Các nền tảng được tối ưu hóa hàng ngày. Chúng tôi hoạt động trên nguyên tắc lợi người trước, lợi mình sau. Người lãnh đạo, nhà đầu tư là người lợi cuối cùng.
Khi người lãnh đạo vào công ty chúng tôi, sẽ phải học hòa nhập 6 tháng. Học từ cách đi đứng, cách pha trà, uống nước.
MC: Thưa ông Lưu Tiến Dũng, ông có thể giới thiệu một chút về sự ra đời, hình thành và phát triển của Hãng luật La Défense? Trong quá trình hoạt động của mình, ông nhận thấy các doanh nghiệp còn thiếu và yếu ở lĩnh vực nào? Những hạn chế đó đã ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp?
– Ông Lưu Tiến Dũng: Chúng tôi thành lập năm 2012 – khi thị trường còn rất yếu về vấn đề sở hữu trí tuệ, thương hiệu… CHúng tôi thúc đẩy phương pháp nhân văn, hiệu quả, làm sao để lựa chọn phương pháp Win – Win – không mang tính thắng thua.
Trong 3 năm vừa qua, chúng ta thấy sự sụp đổ của các tập đoàn, nguyên nhân chỉ vì những lỗ hổng trong pháp luật. Chúng tôi luôn đề cao sự tuân thủ pháp luật. Người làm chủ không được né tránh quyền của người lao động; doanh nghiệp không được né tránh quyền lợi trong hợp đồng….
Người đứng đầu doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, sẽ bị đánh giá thấp trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Khi anh nắm chắc pháp luật, nền móng của doanh nghiệp mới bền vững. Khi nào doanh nghiệp làm được điều này, thương hiệu mới bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, tôi mong muốn các doanh nghiệp hiểu được sự tuân thủ của pháp luật là giá trị của doanh nghiệp; kiến thức pháp luật là mấu chốt cho sự thành công của doanh nhân.
Vấn đề đắc nhân tâm của doanh nghiệp theo tôi chính là sự tuân thủ pháp luật,là kiến thức pháp luật, là những thông điệp vì xã hội của doanh nghiệp đó.
MC: Thưa bà Phạm Mộc Trang, với tư cách là Founder & CEO của Phạm Mộc Trang Group, bà đã xây dựng thành công thương hiệu doanh nghiệp mang đậm dấu ấn cá nhân, bà có thể chia sẻ bí kíp quản lý doanh nghiệp.
– Bà Phạm Mộc Trang: Khi là chủ một doanh nghiệp, tôi phải cân bằng vai trò của gia đình và công ty.
Để xây dựng một tập thể đồng lòng, mang đậm dấu ấn cá nhân, chúng tôi phải bắt đầu từ việc tuyển dụng nhân lực. Chúng tôi phải đào tuyển dụng, đào tạo những người “cùng tần số” để cùng nhau phát triển.
– MC: Chúng ta đang tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền, do đó “thượng tôn pháp luật” là tiêu chí mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải nêu cao. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này? Theo ông, làm thế nào để các doanh nghiệp có thể kết hợp giữa việc xây dựng thương hiệu mạnh và giữ vững tinh thần “Đắc nhân tâm” trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế?
– Tiến sĩ Vũ Hoài Nam: Việc tuân thủ pháp luật là yêu cầu đối với mọi cá nhân, tổ chức. Nó là một vấn đề tự nhiên. Chúng tôi rất mong muốn sẽ góp phần xây dựng văn hóa pháp lý của cộng đồng làm sao để việc tuân thủ pháp luật không còn là áp lực, mà đó là lẽ tự nhiên. Và chuyện tuân thủ pháp luật chính là một biểu hiện “đắc nhân tâm” của mỗi doanh nghiệp, cá nhân.
– Tiến sỹ Vũ Hoài Nam: Thưa quý vị, với vai trò của đơn vị tổ chức, trân trọng cám ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Chúng tôi cho rằng ngày 13/10 là một ngày rất quan trọng. Đảng, nhà nước ta rất quan tâm tới giới doanh nhân. Dù có giai đoạn, giới doanh nhân chưa được nhìn nhận đúng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, giới doanh nhân đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình đối với xã hội. Nhìn lại lịch sử, điều quan trọng tạo nên sự vững mạnh của doanh nghiệp, chính là văn hóa của doanh nghiệp – là cộng đồng doanh nghiệp đắc nhân tâm.
Chúng tôi cam kết, sẽ xây dựng một tờ báo nhân văn, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp “Đắc nhân tâm”.