Tiêu chí xác định trách nhiệm của VKS khi bản án dân sự của Tòa án bị hủy, sửa

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn 15/HD-VKSTC ngày 27/6/2024 việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa và kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Tiêu chí xác định trách nhiệm của VKS khi bản án dân sự của Tòa án bị hủy, sửa

Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nội dung hướng dẫn xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định trong giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự của Tòa án bị hủy, sửa trong những trường hợp sau đây:

1. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy, sửa

– Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm được xác định là có trách nhiệm khi có đủ các tiêu chí sau:

+ Kiểm sát viên đã tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu quan điểm như quyết định tại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

+ Không kháng nghị phúc thẩm, không báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị phúc thẩm hoặc có kháng nghị phúc thẩm nhưng đã rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa, phiên họp phúc thẩm.

– Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm được xác định là có trách nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Không phát hiện được vi phạm và tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phát biểu quan điểm giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

+ Viện kiểm sát cấp dưới có báo cáo đề nghị kháng nghị phúc thẩm nhưng không kháng nghị và tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phát biểu quan điểm giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

+ Rút kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới hoặc cấp mình và tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phát biểu quan điểm giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

2. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật hoặc cấp phúc thẩm bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy, sửa

– Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm được xác định là có trách nhiệm nếu tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm phát biểu quan điểm như quyết định tại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

– Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm được xác định là có trách nhiệm nếu tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phát biểu quan điểm như quyết định tại bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.

3. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm

Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm được xác định là cùng có trách nhiệm khi tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm phát biểu quan điểm như quyết định tại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm.

4. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án bị hủy, sửa

Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được xác định là có trách nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm bị hủy, sửa mà quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm này đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp; được Viện kiểm sát cấp trên đồng ý việc hủy, sửa.

– Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm bị hủy, sửa mà quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm này đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án mà tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm đồng ý với toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án cùng cấp; được Viện kiểm sát cấp trên đồng ý việc hủy, sửa.

Các trường hợp loại trừ trách nhiệm của VKS bao gồm

Bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân khách quan (gồm: đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ mới; đương sự rút đơn khởi kiện, rút yêu cầu, thay đổi nội dung kháng cáo; đương sự thỏa thuận được về một phần hoặc toàn bộ vụ án; nguyên nhân khác).

Bản án, quyết định bị sửa nhưng không làm thay đổi cơ bản quyết định của Tòa án trong bản án, quyết định, không làm thay đổi cơ bản quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của đương sự đã được Tòa án tuyên trong bản án, quyết định đó.

Trước khi bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bị Tòa án cấp trên hủy, sửa, Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc phát hiện được sai sót, vi phạm trong công tác kiểm sát và đã báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận vì lý do khách quan (như có việc rút kháng cáo, rút đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đương sự tự nguyện hoặc thỏa thuận thi hành án xong hoặc sự việc khác làm cho kháng nghị không còn cần thiết).

Xem thêm: 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top