Tranh chấp đầu tư quốc tế là xu hướng tất yếu trong hội nhập đầu tư quốc tế hiện nay. Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là một vấn đề phức tạp đối với các quốc gia nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.

Tranh chấp đầu tư quốc tế là gì?

Tranh chấp đầu tư quốc tế là tranh chấp phát sinh từ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền quản lý nhà nước dựa trên cơ sở các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế khác có quy định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam là thành viên; hoặc các hợp đồng, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức PPP, BCC, BOT, BT….

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các xung đột về quyền lợi dẫn đến tranh chấp xảy ra giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước là điều khó tránh khỏi.

Chi phí lớn, thời gian đeo đuổi vụ kiện lâu dài, ấn tượng không tốt với các nhà đầu tư nước ngoài về một môi trường pháp lý kinh doanh không minh bạch và việc thực thi kém hiệu quả các cam kết quốc tế, thậm chí, các cơ quan chức năng ở địa phương có thể trở thành mục tiêu kiện tụng để trục lợi từ các nhà đầu tư nước ngoài không lương thiện… Đó là hậu quả nhãn tiền mà Chính phủ quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể phải đối diện khi tranh chấp đầu tư xảy ra.

Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Theo Điều 14 Luật Đầu tư 2020 quy định:

“1. Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại trọng tài hoặc Tòa án… 4. Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Như vậy, trong trường hợp giữa Việt Nam và quốc gia của nhà đầu tư có ký kết hiệp định đầu tư mà theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được quyền khởi kiện Nhà nước nhận đầu tư ra các cơ quan tài phán quốc tế thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam có quyền khởi kiện Việt Nam ra các cơ quan này nếu cho rằng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước vi phạm các cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư trong hiệp định đầu tư đó.

Về phía Nhà nước Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế được thực hiện theo Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (Quy chế) ban hành theo Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg. Trong đó, có một số nội dung chính như sau:

1. Xác định cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế được xác định theo Điều 5 Quy chế dựa trên nguyên tắc cơ quan chủ trì là cơ quan có quyết định, hành vi trực tiếp dẫn tới tranh chấp đầu tư quốc tế. Cụ thể:

– Cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có biện pháp bị kiện hoặc đe doạ bị kiện; trường hợp tranh chấp đầu tư quốc tế có các biện pháp bị kiện của hai hoặc nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan này phải thống nhất cơ quan chủ trì và trường hợp không thống nhất được cơ quan chủ trì, cơ quan nhận được thông báo ý định khởi kiện thông báo cho cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì trên nguyên tắc cơ quan chủ trì là cơ quan có liên quan nhiều nhất tới biện pháp bị kiện và có năng lực phù hợp nhất để giải quyết vụ tranh chấp đầu tư quốc tế.

– Đối với các tranh chấp quốc tế phát sinh từ các hợp đồng, thỏa thuận, cam kết với nhà đầu tư nước ngoài, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì đàm phán, ký hoặc thay mặt Nhà nước, Chính phủ Việt Nam ký các hợp đồng, thỏa thuận, cam kết này sẽ là cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp.

– Đối với các tranh chấp phát sinh liên quan đến khoản vay, nợ của Chính phủ hoặc khoản vay, nợ được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, tranh chấp đầu tư quốc tế liên quan đến áp dụng pháp luật về tài chính, thuế, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giải quyết.

– Trong một số ít trường hợp, khi tranh chấp đầu tư quốc tế phức tạp, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ đối ngoại, an ninh, quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cơ quan chủ trì trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp.

Các cơ quan khác (không phải là cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ) nhưng có liên quan đến quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài… cũng phải tham gia phối hợp với cơ quan chủ trì và cơ quan đại diện pháp lý trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

2.  Trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và nguyên tắc phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp đầy đủ, hiệu quả, kịp thời trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả phát sinh do không phối hợp hoặc phối hợp không đúng các nguyên tắc đã quy định tại Quy chế. Trong quá trình phối hợp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật nhà nước, bí mật thông tin, tài liệu có được trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo đúng quy định trong tố tụng trọng tài quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành

Quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế phải tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục tố tụng chặt chẽ của cơ quan tài phán quốc tế theo pháp luật quốc tế. Do đó, cơ chế phối hợp, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thông qua các tổ công tác liên ngành được đưa ra nhằm bảo đảm việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, thảo luận và đưa ra quyết định đối với những vấn đề phát sinh được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm yêu cầu tố tụng quốc tế.

Theo Điều 15 Quy chế, Tổ công tác liên ngành được thành lập theo quyết định của cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế sau khi tranh chấp được đưa ra trọng tài quốc tế hoặc trong trường hợp cần thiết, khi cơ quan chủ trì nhận được thông báo ý định khởi kiện của nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ cấu thành viên của các Tổ công tác liên ngành cũng tương đối linh hoạt tùy theo tính chất, nội dung của từng tranh chấp đầu tư quốc tế và Quy chế chỉ quy định cụ thể về Tổ trưởng, Tổ phó của các Tổ công tác liên ngành. Các thành viên của Tổ công tác liên ngành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.

4. Phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài

Ngoài các nội dung quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, Quy chế cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài phải được giải quyết trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về khiếu nại, tố cáo, các cam kết với nhà đầu tư nước ngoài và các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam (Điều 9 Quy chế).

Trường hợp không thể giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài mà nội dung khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hiệp định đầu tư hoặc cam kết khác với nhà đầu tư nước ngoài và có khả năng phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế, cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo phải phối hợp với cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ để đánh giá, đề xuất giải pháp xử lý, phòng ngừa phát sinh tranh chấp (Điều 10 Quy chế).

Xem thêm: 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top