M&A được biết tới là một phần không thể thiếu trong kinh doanh toàn cầu. Cũng chính vì thế mà đầu tư thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã trở thành một xu hướng đầu tư đầy tiềm năng tại Việt Nam.
M&A là gì?
M&A là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). Trong kinh doanh, M&A là hoạt động sáp nhập hoặc mua lại của một công ty/tập đoàn với một công ty/tập đoàn khác, qua đó tạo ra một thực thể mới với quy mô lớn hơn và có tiềm năng mang đến lợi ích kinh tế tốt hơn cho các bên liên quan.
- Mergers (sáp nhập): là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp thường có cùng quy mô với nhau để tạo ra một doanh nghiệp mới. Công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập để trở thành một công ty mới.
- Acquisitions (mua lại): là hình thức kết hợp mà doanh nghiệp lớn sẽ mua các doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn, các doanh nghiệp bị mua lại này vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ và doanh nghiệp mua lại sẽ có quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp mình mới mua.
Mục tiêu của M&A là giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, tham gia vào hoạt động điều hành và quản lý doanh nghiệp để tạo ra giá trị cho các bên liên quan.
Vì vậy, khi một nhà đầu tư đạt được mức sở hữu phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đủ để tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì khi đó mới có thể coi đây là hoạt động M&A. Ngược lại, khi nhà đầu tư sở hữu phần vốn góp, cổ phần không đủ để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì đây chỉ được coi là hoạt động đầu tư thông thường.
Các hình thức M&A phổ biến trên thế giới
Theo chức năng của các công ty, doanh nghiệp, tính chất của việc mua bán, sáp nhập: hoạt động M&A có thể phân loại theo 3 hình thức phổ biến dưới đây: M&A chiều ngang, M&A chiều dọc và M&A kết hợp.
- M&A chiều ngang (Horizontal) là hình thức mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tương tự nhau cho người tiêu dùng cuối cùng. Điều này có nghĩa là các công ty này hoạt động trong cùng một ngành và ở cùng một giai đoạn sản xuất. Trong trường hợp này, các công ty thường là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau.
- M&A chiều dọc (Vertical) được hiểu là hình thức mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp có cùng chuỗi giá trị sản xuất và một dịch vụ có tiềm năng. Chỉ có sự khác biệt duy nhất tại giai đoạn sản xuất mà họ đang hoạt động. Hình thức này cũng được sử dụng nhiều với nhiều lợi ích tránh sự gián đoạn trong quá trình cung cấp sản phẩm,… Nhờ đó tăng doanh thu và lợi nhuận cũng như giảm được đáng kể chi phí trung gian.
- M&A kết hợp (Conglomerate) là hình thức mua bán và sáp nhập để hình thành nên các tập đoàn. Việc sáp nhập kiểu tập đoàn diễn ra giữa các công ty phục vụ cùng một khách hàng trong một ngành cụ thể, nhưng họ không cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giống nhau. Sản phẩm của họ có thể được bổ sung, sản phẩm đi cùng nhau, nhưng về mặt kỹ thuật không phải là sản phẩm giống nhau.
Lợi ích của M&A
M&A được nhận định rằng sẽ tạo ra giá trị tăng thêm (giá trị cộng hưởng) nhờ giảm chi phí, mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới. Giá trị cộng hưởng có được từ mỗi thương vụ M&A sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh hiệu quả và giá trị doanh nghiệp sau M&A được nâng cao.
- Nâng cao quy mô doanh nghiệp: Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp thâm nhập được vào thị trường mới, có thêm một dây chuyền sản phẩm mới hay mở rộng phạm vi phân phối, mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, các dự án…Quy mô doanh nghiệp tăng, phân phối hàng hóa được đẩy mạnh cũng sẽ giúp doanh nghiệp có thị phần lớn hơn.
- Nâng cao khả năng phân phối hàng hóa: Được thực hiện bằng cách mở rộng quy mô, tầm ảnh hưởng trong thị trường. Từ đó doanh nghiệp mới có thể mở rộng mạng lưới phân phối của đơn vị mình.
- Giảm chi phí nhân lực: Trên thực tế, khi hai hay nhiều bên sáp nhập lại đều có nhu cầu giảm việc làm, nhất là các công việc gián tiếp. Bởi vậy, M&A sẽ là dịp để các doanh nghiệp sàng lọc những vị trí làm việc kém hiệu quả, doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp nhận nguồn lao động có kỹ năng tốt và nhiều kinh nghiệm.
- Nâng cao chất lượng nhân lực: Cho dù giảm chi phí nhưng doanh nghiệp mới vẫn sẽ tiếp cận và tận dụng được nhiều tài năng hơn trong công việc.
- Cải thiện nguồn lực tài chính: Một trong những lợi ích nổi bật nhất khi thực hiện công việc M&A đó là sức mạnh về tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Sau M&A, doanh nghiệp sẽ được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính.
- Nâng cao trình độ công nghệ – kỹ thuật: Thông qua việc M&A, doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ hay kỹ thuật của nhau để tạo lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, nguồn vốn dồi dào cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để họ trang bị những công nghệ hiện đại phục vụ cho việc kinh doanh.
Xem thêm: