Mâu thuẫn, xung đột lợi ích, vi phạm quy tắc chung, vi phạm cam kết là điều khó tránh khỏi trong các mối quan hệ xã hội. Vậy nên việc đối thoại và hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp pháp lý có vai trò rất quan trọng và cần thiết.
Ở Việt Nam, trong nhiều nghị quyết khác nhau của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã định hướng tăng cường sử dụng hòa giải trong giải quyết tranh chấp, cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Khái niệm hòa giải
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam: “Hòa giải là giải quyết các tranh chấp bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải là bên tranh chấp)”.
Theo Điều 2 của Luật hòa giải cơ sở thì: “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ, về hòa giải thương mại quy định: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”.
Như vậy, từ những khái niệm, giải thích từ ngữ trên, chúng ta có thể hiểu: Hòa giải là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân với tư cách là người thứ ba (người hòa giải) hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên có tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự một cách ổn thỏa.
Xem thêm: Cách lựa chọn luật sư phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp của bạn
Vai trò của đối thoại và hòa giải trong giải quyết tranh chấp
Có nhiều phương thức để giải quyết tranh chấp nhưng đối thoại và hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất, tốt nhất, tối ưu nhất. Bởi các lý do sau đây:
- Hòa giải thành sẽ chấm dứt mâu thuẫn, xung đột hoặc xích mích, tranh chấp một cách ổn thỏa nhất. Bởi khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thì các bên là hoàn toàn tự nguyện về thỏa thuận mà không phải là ép buộc.
- Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất.
- Hòa giải đảm bảo được bí mật, ít ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cá nhân, pháp nhân, nhất là ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Lợi ích của sự đối thoại và hòa giải mang lại so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác
Quyền tự định đoạt của các bên: Trong hòa giải, các bên tranh chấp có thể bày tỏ quan điểm, trao đổi, đàm phán và thảo luận về các giải pháp giải quyết. Hòa giải đem lại cơ hội cho các bên được gặp gỡ trực tiếp để trình bày, giải thích và đưa ra lý do mà mình bất đồng với bên kia, từ đó hai bên hiểu nhau và đi đến thống nhất cách giải quyết. So với cách giải quyết khác như quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay phán quyết của Tòa án thường mang lại cảm giác bị áp đặt thì trong hòa giải các bên không cảm thấy phải chịu áp lực mà họ thấy rằng họ được làm chủ, vì thế họ dễ dàng thống nhất cách giải quyết hơn.
Tiết kiệm thời gian: Khi lựa chọn phương án hòa giải để giải quyết tranh chấp, các bên hoàn toàn chủ động về thời gian, việc giải quyết nhanh chóng hơn rất nhiều so với thủ tục tố tụng.
Chi phí thấp: Khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, các bên tiết kiệm và giảm thiểu rất nhiều chi phí. Hiện nay, vụ việc hòa giải ở cơ sở không tính phí, hòa giải viên làm việc trên cơ sở tự nguyện, vì lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng; còn hòa giải thương mại thường tính phí theo giờ, hầu hết các hòa giải viên thương mại làm việc trong một số lĩnh vực khác ngoài công việc hòa giải.
Linh hoạt về thủ tục: Các bên có quyền lựa chọn hoặc không lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa giải, không bên nào có thể ép buộc bên nào tham gia vào phương thức này; các bên có thể quyết định hoàn toàn quy trình hòa giải hoặc đề xuất với hòa giải viên những thay đổi cần thiết cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, các bên được tham gia toàn bộ quá trình hòa giải cho đến khi hòa giải xong hoặc ngừng tham gia hòa giải nếu thấy việc tham gia không hiệu quả hoặc muốn giải quyết bằng phương thức khác;quá trình hòa giải thường được hoàn thành trong một thời gian ngắn.
Duy trì mối quan hệ giữa các bên và bảo mật thông tin: Quá trình hòa giải giúp các bên tham gia làm việc cùng nhau, tạo không khí thân thiện, lắng nghe, mang tính xây dựng và tin tưởng. Các bên có cơ hội thể hiện tình cảm, bày tỏ sự quan tâm đến các quan hệ lâu dài trong tương lai.
Xem thêm:
- Các bước cần thiết khi thuê luật sư giải quyết tranh chấp pháp lý
- Vai trò của luật sư giải quyết tranh chấp trong quá trình tố tụng và trọng tài
- Những phương pháp và chiến lược phổ biến mà luật sư giải quyết tranh chấp sử dụng
- Cách luật sư giải quyết tranh chấp hiệu quả và công bằng
- Xảy ra tranh chấp đất đai có bắt buộc hòa giải ở UBND không?