Phạm tội chưa đạt là tình trạng khi một người có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa bị kết án hoặc chưa đủ điều kiện để bị xử lý hình sự. Trong trường hợp này, người vi phạm chỉ bị xử lý hành chính hoặc bị phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm. Cùng bài viết tìm hiểu rõ hơn về khái niệm này.

Thế nào là phạm tội chưa đạt theo Bộ luật Hình sự?

Có 3 cấu thành tội phạm như sau: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, phạm tội hoàn thành.

Căn cứ Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Như vậy, phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra với tội phạm quy định với lỗi cố ý.

Xem thêm: Phân Biệt Đầu Thú và Tự Thú?

Pham toi chua dat
Pham toi chua dat

Dấu hiệu nhận biết phạm tội chưa đạt

Giữa quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với định nghĩa khoa học về phạm tội chưa đạt chỉ có sự khác nhau về cách diễn đạt còn về nội dung đều khẳng định như nhau về các dấu hiệu của phạm tội chưa đạt. Theo đó, có ba dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:

Dấu hiệu thứ nhất: Người phạm tội “đã thực hiện tội phạm”

Đây là dấu hiệu phân biệt phạm tội chưa đạt với chuẩn bị phạm tội. “Đã thực hiện tội phạm” có nghĩa là người phạm tội đã thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Ví dụ: Chủ thể tội giết người đã thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng người khác (như đã đâm, đã bắn, đã chém) là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm tội giết người. Cũng được coi là “đã thực hiện tội phạm” nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi “đi liền trước” hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Đó là hành vi (xét về khách quan và chủ quan) thể hiện là sự bắt đầu của hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm và kế tiếp ngay sau nó hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm sẽ xảy ra.

Hành vi nhặt dao để đâm, lắp đạn để bắn trong trường họp phạm tội giết người được coi là những hành vi “đi liền trước” của hành vi tước đoạt tính mạng người khác.

Những hành vi này chưa phải là hành vi tước đoạt tính mạng người khác (hành vi đâm, hành vi bắn) nhưng là sự bắt đầu của hành vi tước đoạt tính mạng người khác và ngay sau nó hành vi tước đoạt tính mạng người khác (hành vi đâm, hành vi bắn) sẽ xảy ra.

Hành vi “đi liền trước” như vậy tuy thể hiện là sự chuẩn bị nhưng vì rất gần với hành vi khách quan, không tách ra được nên cũng được coi là hành vi thực hiện tội phạm.

Xem thêm: Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được áp dụng như thế nào?

Dấu hiệu thứ hai: Đây là dấu hiệu được diễn đạt khác nhau giữa điều luật và định nghĩa khoa học

Theo điều luật, phạm tội chưa đạt khác tội phạm hoàn thành ở chỗ người phạm tội không thực hiện tội phạm được “đến cùng”. Trong khi đó, theo định nghĩa khoa học, phạm tội chưa đạt khác tội phạm hoàn thành ở chỗ hành vi phạm chưa thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

Đây chỉ là hai cách diễn đạt khác nhau về cùng một nội dung. Tội phạm hoàn thành hay phạm tội chưa đạt như đã trình bày đều là sự đánh giá về mặt pháp lí.

Do vậy, dấu hiệu “không thực hiện tội phạm được đến cùng” được quy định tại Điều 15 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cần được hiểu là “không… đến cùng” về mặt pháp lí và như vậy “không… đến cùng” cũng có nghĩa là hành vi được thực hiện chưa thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

Trường hợp hành vi phạm tội chưa thoả mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm có thể xảy ra theo các dạng sau:

– Chủ thể chưa thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà mới chỉ thực hiện hành vi “đi liền trước” hành vi đó.

Ví dụ: Chủ thể tội giết người mới nhặt dao để đâm thì đã bị bắt giữ;

– Chủ thể đã thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng chưa thực hiện hết.

Ví dụ: Chủ thể tội hiếp dâm mới vật ngã được nạn nhân nhưng chưa thực hiện hành vi giao cấu thì đã bị bắt giữ;

– Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng chưa gây ra hậu quả thiệt hại được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Ví dụ: Chủ thể tội giết người đã đâm nạn nhân nhưng nạn nhân không chết;

Trong ba dạng có thể xảy ra nêu trên, dạng thứ ba chỉ có thể xảy ra ở các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất.

Xem thêm: Phòng vệ chính đáng là hành vi như thế nào?

Pham toi chua dat
Pham toi chua dat

Dấu hiệu thứ ba: Người phạm tội không thực hiện tội phạm được “đến cùng” là do nguyên nhân ngoài ý muốn của họ

Dấu hiệu này được đặt ra vì có hai loại trường hợp hành vi phạm tội đã thực hiện nhưng không “đến cùng” – không thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm là trường hợp do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội và trường họp do ý muốn chủ quan của người phạm tội. Hai trường họp này là khác nhau. Trong đó, trường hợp thứ hai là trường hợp cần được khuyến khích.

Theo điều luật, dấu hiệu thứ ba đòi hỏi người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành là do:

– Nạn nhân hoặc người bị hại đã chống lại được hoặc đã tránh được;

– Người khác đã ngăn chặn được;

– Có những trở ngại khác (như bắn nhưng đạn không nổ; thuốc độc dùng để đầu độc không đủ liều lượng…);

Dấu hiệu thứ ba trên đây cho phép phân biệt phạm tội chưa đạt với trường hợp dừng lại do ý muốn chủ quan của người phạm tội được quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hình phạt đối với phạm tội chưa đạt

Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về việc quyết định hình phạt với hành vi phạm tội chưa đạt như sau:

– Hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

– Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Xem thêm: Điều kiện giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài

Việc xác định một hành vi là phạm tội chưa đạt hay không ảnh hưởng đến quyết định của các cơ quan pháp luật trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Đồng thời, nắm vững khái niệm này cũng giúp người dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tuân thủ pháp luật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top