Trình Tự, Thủ Tục Xét Xử Theo Thủ Tục Tái Thẩm Vụ Án Hình Sự

Thủ tục tái thẩm là một thủ tục đặc biệt được quy định cụ thể tại Chương XXVI Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Căn cứ theo quy định tại điều 397 có thể hiểu thủ tục tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

Đặc điểm, tính chất của thủ tục tái thẩm đã được Điều 397 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cụ thể, có thể tóm tắt như sau:

  • Thứ nhất, đối tượng của tái thẩm là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
  • Thứ hai, tái thẩm không xét xử lại mà xem xét tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó;
  • Thứ ba, việc xét lại bản án, quyết định phải dựa trên kháng nghị của người có thẩm quyền.
Toà án nhân dân tối cao
Toà án nhân dân tối cao

Xem thêm: Trình Tự, Thủ Tục Xét Xử Theo Thủ Tục Giám Đốc Thẩm Vụ Án Hình Sự

Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Căn cứ theo quy định tại điều 398 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định về căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như sau:
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:

  • Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;
  • Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;
  • Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
  • Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại điều 400 Bộ Luật tố tụng hình sự, cụ thể:

  • Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  • Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
  • Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

  • Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.
  • Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
  • Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tòa án nhân dân tối cao
Tòa án nhân dân tối cao

Xem thêm: Những điểm mới đáng chú ý của luật đầu tư 2020

Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm

  • Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
  • Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
  • Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
  • Đình chỉ việc xét xử tái thẩm.

Phiên toà xét xử tái thẩm vụ án hình sự

Căn cứ theo quy định tại điều 403 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về các thủ tục về tái thẩm, trong đó các thủ tục khác về tái thẩm được thực hiện theo các quy định về thủ tục giám đốc thẩm. Đối chiếu theo quy định của pháp luật có thể thấy phiên toà xét xử tái thẩm vụ án hình sự được diễn ra tương tự thủ tục giám đốc thẩm.

Bước 1: Sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng tía thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng tái thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.

Bước 2: Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng tái thẩm yêu cầu.

  • Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
  • Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa tái thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Bước 3: Các thành viên Hội đồng táo thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng tái thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top