Quy định về việc huỷ phán quyết trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010

Phán quyết trọng tài là một quyết định rất quan trọng trong lĩnh vực pháp lý. Đây là quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên bằng cách sử dụng một trọng tài độc lập và không thiên vị để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên khi một bên không chấp thuận với phán quyết trọng tài thì có cách nào để hủy phán quyết trọng tài đó không? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết.

Phán quyết trọng tài là gì?

Khái niệm

Theo khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài.

Hiệu lực của phán quyết trọng tài

Căn cứ vào khoản 5 Điều 61 của Luật trọng tài thương mại 2010 hiệu lực của phán quyết trọng tài được quy định như sau:

– Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

– Một khi hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết trọng tài thì các bên không thể tiếp tục khởi kiện lên Tòa án nếu quan hệ tranh chấp và chủ thể tham gia tranh chấp không khác với vụ việc đã có phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, Tòa án vẫn có quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài nếu một bên tranh chấp có yêu cầu.

Xem thêm: Quy định về trình tự thủ tục khởi kiện bằng Trọng tài thương mại

Quy định về việc hủy phán quyết trọng tài

Theo điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, việc hủy phán quyết trọng tài thương mại được quy định như sau:

– Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.

– Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

+ Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;

+ Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;

+ Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

+ Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

– Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau:

+ Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó;

+ Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.

Xem thêm: Giải quyết tranh chấp trong sở hữu trí tuệ

Thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Soạn thảo đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

– Thời hạn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:

Đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài phải được nộp cho Toà án trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bên yêu cầu nhận được phán quyết trọng tài. Trường hợp vì lý do xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc gửi đơn quá hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng sẽ không được tính vào thời hạn yêu cầu hủy phán quyết.

(Theo Điều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)

– Tòa án có thẩm quyền giải quyết:

Tòa án có thẩm quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài. Do đó, bên yêu cầu cần xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết để nộp Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(Theo Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)

– Hình thức và nội dung của Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:

Hình thức và nội dung của Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, bên yêu cầu có thể soạn Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đáp ứng hình thức và nội dung theo luật định và phải đảm bảo có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn;

+ Tên và địa chỉ của bên có yêu cầu;

+ Yêu cầu và căn cứ huỷ phán quyết trọng tài.

Đồng thời, bên yêu cầu phải gửi bản chính hoặc bản sao phán quyết trọng tài, thỏa thuận trọng tài và bản dịch các tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt đã được chứng thực hợp lệ kèm Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(Theo Điều 70 Luật Trọng tài thương mại năm 2010)

Xem thêm: Tội hủy hoại rừng bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Nộp Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Sau khi đã chuẩn bị Hồ sơ yêu cầu (bao gồm Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và các tài liệu, chứng cứ có liên quan), bên yêu cầu có thể gửi Hồ sơ yêu cầu đến Tòa án có thẩm quyền bằng 03 phương thức sau:

(i) Nộp trực tiếp tại Tòa án;

(ii) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

(iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Thụ lý Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Sau khi nhận đơn và xem xét thẩm quyền giải quyết, Tòa án tiến hành thụ lý Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và thông báo ngay cho Trung tâm trọng tài hoặc các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc và các bên tranh chấp về việc đã thụ lý yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Chánh án Toà án sẽ tiến hành chỉ định một Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài để giải quyết vụ việc.

Xem thêmCơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra?

Tham gia phiên họp xem xét yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được chỉ định, Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài sẽ tiến hành mở phiên họp để xét yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.

Phiên họp được tiến hành đúng thời gian, địa điểm với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp bên yêu cầu rút đơn hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài chấp thuận thì Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ban hành quyết định đình chỉ việc xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Kết quả yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài

Sau khi tiến hành xem xét nội dung yêu cầu, Hội đồng xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có quyền ban hành quyết định huỷ hoặc không huỷ phán quyết trọng tài. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định, Tòa án sẽ phải gửi quyết định cho các bên và Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên Trọng tài vụ việc.

Quyết định của Toà án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Vì vậy, trong trường hợp Tòa án ban hành quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết lại tại Trọng tài hoặc Tòa án. Ngược lại, nếu Tòa án quyết định không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài vẫn được thi hành.

Xem thêm: Nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp là gì?

Tóm lại, việc hủy phán quyết trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là một quá trình phức tạp và cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Điều này đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại và góp phần nâng cao uy tín của hệ thống trọng tài thương mại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

To Top