Tội xâm phạm thi thể mồ mả hài cốt là hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật, gây tổn hại nghiêm trọng đến văn hóa và tôn giáo của một xã hội. Việc xâm phạm thi thể mồ mả hài cốt không chỉ là một hành động thiếu tôn trọng và nhân đạo, mà còn là một hành vi vi phạm quyền riêng tư và sự bảo vệ của người chết.
Theo quy định tại điều 319 Bộ Luật hình sự 2015 xâm phạm thi thể mồ mả có thể hiểu là xâm phạm vào phong tục tập quán của dân tộc bằng việc thể hiện qua những hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Khi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt ngoài việc bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật dân sự thì những người thực hiện hành vi xâm phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo bộ luật hình sự 2015 (Điều 319 BLHS 2015)
Đối với tội danh xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo điều 319 Bộ Luật hình sự 2015 được quy định như sau:
Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
Xem thêm: Tù chung thân là gì? Các tội phạm áp dụng tù chung thân?
Dấu hiệu tội phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Dấu hiệu khách quan:
Tội phạm được thể hiện bằng những hành vi đào, phá mồ mả, hài cốt bao gồm các hành vi: Phá huỷ, làm hư hỏng các tượng đàu, bia đá xây trên mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật trên mồ, trong mộ hoặc đào mồ mả trái pháp luật, khai quật hài cốt, lấy đi tài sản được chôn theo người chết. Hoặc có những hành vi khác xâm phạm thi thể người như: mổ để lấy các bộ phận trên cơ thể khi không được phép, chặt thi thể ra làm nhiều khúc để trả thù…
Dấu hiệu chủ quan:
Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, do các động cơ, mục đích khác nhau như trả thù cá nhân, mục đích tâm linh,…
Dấu hiệu chủ thể:
Đối với tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo tại điều 319 Bộ Luật hình sự 2015 không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều 12 Bộ Luật này nên tội phạm được thực hiện bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.
Dấu hiệu khách thể:
Xâm phạm trật tự xã hội, an toàn đối với phần mộ, thi thể, hài cốt của người chết
Đối với trách nhiệm dân sự khi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại khi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo điều 606 và điều 607 Bộ luật dân sự 2015 được quy định như sau:
Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể (Điều 606 BLDS 2015)
Cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Người chịu trách nhiệm bồi thường khi thi thể bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
(Hiện nay, theo khoản 2 điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng. Như vậy, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa là 54.000.000 đồng)
Xem thêm: Quy định về thừa kế theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015
Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả (Điều 607 BLDS 2015)
Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
(Hiện nay, theo khoản 2 điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng. Như vậy, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa là 18.000.000 đồng)
Như vậy, đối với tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt người phạm tội không chỉ chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 319 Bộ Luật hình sự 2015 ngoài ra chủ thể vi phạm còn phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại nếu có hành vi nói trên.