Nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp là hai khía cạnh quan trọng trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Chúng không chỉ giúp xác định và phân biệt sản phẩm của một công ty, mà còn tạo ra giá trị thương hiệu và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Quy định của pháp luật về Nhãn hiệu
Nhãn hiệu được hiểu thế nào?
Theo đó, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Một vài loại nhãn hiệu cụ thể được quy định như sau:
– Nhãn hiệu tập thể: dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
– Nhãn hiệu chứng nhận: nhãn hiệu mà chủ sở hữu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
– Nhãn hiệu nổi tiếng: được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.
Một nhãn hiệu thành công không chỉ đảm bảo sự nhận dạng của sản phẩm, mà còn tạo ra lòng tin và sự tín nhiệm từ phía khách hàng. Nhãn hiệu không chỉ là tên gọi hay biểu trưng mà còn bao gồm các giá trị, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp.
Điều kiện bảo hộ như thế nào?
Nhà nước sẽ bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Nếu không đăng ký bảo hộ thì có thể dẫn doanh nghiệp hay cá nhân đến những rủi ro pháp lý như việc bị trùng hoặc bị cá nhân, tổ chức khác lợi dụng để thu lợi bất chính.
Việc đăng ký bảo hộ giúp doanh nghiệp ngăn chặn các rủi ro pháp lý liên quan, được bảo vệ cá nhân, tổ chức trong quá trình được sử dụng và chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điều kiện đăng ký nhãn hiệu được quy định thế nào?
Phải có tính phân biệt. Dấu hiệu để được coi là có tính phân biệt, nếu:
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với chủ sở hữu khác.
- Là dấu hiệu nhìn thấy được và phân biệt được dưới dạng từ ngữ, chữ cái, con số, ảnh, hình vẽ, màu sắc, hình dạng hoặc sự kết hợp của các dấu hiệu này.
Đăng ký lần đầu thường có hiệu lực trong 10 năm. Thời hạn hiệu lực bảo hộ có thể được gia hạn nhiều lần, với điều kiện phí gia hạn hiệu lực phải được nộp.
Do đó, quyền đối với nhãn hiệu có thể kéo dài vô thời hạn, miễn là chủ sở hữu không từ bỏ hoặc nhãn hiệu không bị mất khả năng phân biệt trên thị trường khi trở thành tên gọi chung.
Xem thêm: Bào chữa hình sự là gì? Thủ tục đăng ký bào chữa hình sự
Quyền đăng ký nhãn hiệu
Theo Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
- Cá nhân, tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa do mình sản xuất, dịch vụ do mình cung cấp.
- Cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không được sử dụng lại nhãn hiệu đó cho sản phẩm và đồng ý việc đăng ký đó.
- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
- Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Việc sử dụng không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.
Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Nhãn hiệu không chỉ ảnh hưởng đến sự thành công của một doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích lâu dài. Một nhãn hiệu mạnh có thể tạo ra sự tín nhiệm từ khách hàng, thu hút đối tác kinh doanh và tăng cường giá trị thương hiệu. Do đó, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu là một yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
Xem thêm: Dịch vụ đăng ký độc quyền nhãn hiệu theo luật mới nhất 2023
Kiểu dáng công nghiệp được hiểu như thế nào?
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Nhìn chung nó là các yếu tố trang trí hoặc thẩm mỹ của của sản phẩm.
Kiểu dáng công nghiệp là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các thiết kế sản phẩm có tính thẩm mỹ cao nhưng vẫn đảm bảo tính chất chức năng và hiệu quả sản xuất. Đây là một phong cách thiết kế đặc trưng của các sản phẩm công nghiệp, được tạo ra với mục đích đáp ứng nhu cầu thị trường và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Kiểu dáng có thể bao gồm các đặc điểm ba chiều, như hình dạng và kết cấu của sản phẩm, hoặc các đặc điểm hai chiều như hình ảnh, hình vẽ, ảnh chụp… dựa trên đường nét và màu sắc.
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Kiểu dáng phải mới
- Kiểu dáng phải có tính nguyên gốc (được tạo ra bởi nhà thiết kế và không phải là bản sao hoặc sự bắt chước từ các kiểu dáng đã có).
- Kiểu dáng phải có đặc điểm riêng biệt.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
- Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Các sản phẩm được thiết kế theo kiểu dáng công nghiệp thường có tính thẩm mỹ cao, đơn giản, tối ưu hóa chi phí sản xuất và sử dụng vật liệu chất lượng cao. Thông qua việc áp dụng các nguyên lý thiết kế công nghiệp, các sản phẩm được tạo ra có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.