Thực tiễn trong quá trình tố tụng đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức để nhận biết được việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó, bài viết này sẽ đi vào tìm hiểu thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Xem thêm: Tội hiếp dâm và tội hiếp dâm trẻ em: Tội nào nặng hơn?
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Như vậy, chủ thể ở đây xác định rõ người tiến hành tố tụng, người được giao thực hiện công việc và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với 02 hành vi chính là:
- Không thực hiện, nghĩa là quy định yêu cầu phải thực hiện nhưng đã không thực hiện theo đúng các quy định đặt ra.
- Thực hiện không đúng, không đầy đủ, đây là trường hợp có thực hiện nhưng lại không đúng, hoặc có thực hiện đúng nhưng lại không đầy đủ.
Hai hành vi này là không đúng với trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định phải làm nhưng hai hành vi này lại phải đáp ứng thêm 01 điều kiện nữa là đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Do đó, nếu có các hành vi vi phạm tố tụng mà có ảnh hưởng nhưng không nghiêm trọng thì cũng không xác định là vi phạm nghiêm trọng hoặc có nhưng không làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng thì cũng không được coi là vi phạm nghiêm trọng hoặc trong tường hợp có hành vi, không làm thiệt hại nhưng có ảnh hưởng và ảnh hưởng này lại không nhằm đến mục đích xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Xem thêm: Thủ tục đăng ký thuế cho hộ kinh doanh thực hiện như thế nào?
Hậu quả pháp lý của việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự:
Căn cứ khoản 1 Điều 245, khoản 1 Điều 280, Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý như sau:
Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung
Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong giai đoạn quyết định truy tố bị can. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi nhận thấy việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Trên đây là những quan điểm cũng như quy định của pháp luật về việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Mong rằng những thông tin này có thể giúp mọi người phần nào đó hiểu được thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và những hậu quả pháp lý mà nó mang lại.