Điều tra là hoạt động tố tụng hình sự do người và cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ làm cơ sở cho việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự. Thông thường, mọi người sẽ nghĩ hoạt động điều tra sẽ do lực lượng công an nhân dân tiến hành tuy nhiên thực tế có phải như vậy? Bài viết này sẽ đi tìm hiểu về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thế nào là điều tra vụ án hình sự?
Điều tra vụ án hình sự là gì?
Điều tra vụ án hình sự là Hoạt động tố tụng hình sự do người và cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ làm cơ sở cho việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó giai đoạn điều tra vụ án hình sự được bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ vụ án của Cơ quan điều tra.
Đối tượng của hoạt động điều tra là tội phạm, người phạm tội, thiệt hại do tội phạm gây ra và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Hoạt động điều tra được thực hiện bằng các biện pháp điều tra khác nhau theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định như hỏi cung bị can, lấy lời khai của những người tham gia tố tụng khác, đối chất, nhận dạng, giữ người, bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ vật chứng, tài liệu, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định.
Xem thêm: Buôn lậu là gì? mức phạt cho tội buôn lậu
Nhiệm vụ của hoạt động điều tra vụ án hình sự:
Nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự là:
- Xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như các tình tiết khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
- Lập hồ sơ vụ án, đề nghị truy tố bị can ra tòa án để xét xử hoặc ra quyết định khác để giải quyết vụ án.
- Xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Ý nghĩa của hoạt động điều tra vụ án hình sự:
Điều tra vụ án hình sự là chức năng quan trọng trong hoạt động tư pháp hình sự của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội và người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm thông qua các chứng cứ đã thu thập được, là một trong những phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc trong tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, điều tra vụ án hình sự cũng góp phần ngăn chặn kịp thời việc thông qua quyết định khởi tố bị can một cách không thận trọng, thiếu chính xác, có thể sẽ kéo theo hậu quả tiêu cực xảy ra trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự.
Xem thêm: Làm nhạc chế có xâm phạm quyền tác giả không?
Cơ quan nào được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra?
Theo Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra được quy định cụ thể như sau:
- Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng.
- Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.
- Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm.
- Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và Pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.
- Các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.
- Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam.
- Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.
Từ những thông tin trên, có thể thấy hoạt động điều tra không chỉ đơn giản là hoạt động của lực lượng Công an nhân dân mà nó còn là nhiệm vụ của rất nhiều cơ quan. Mỗi cơ quan sẽ đảm nhận điều tra ở một lĩnh vực cụ thể, một vụ việc cụ thể. Chúng tôi mong bài viết đã phần nào giải đáp được các vướng mắc của các bạn về hoạt động điều tra cũng như các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.