Buôn lậu là cụm từ đã quen thuộc với tất cả mọi người, nhất là với tình hình tội phạm buôn lậu ngày càng tăng như hiện nay. Tuy nhiên, buôn lậu mà đại đa số mọi người biết đến đều còn rất đơn giản. Do đó, bài viết này sẽ đi vào tìm hiểu cặn kẽ thế nào là buôn lậu và tội này theo Bộ luật Hình sự được quy định như thế nào.
Buôn lậu là gì?
Khái niệm
Buôn lậu thường được hiểu là việc mua đi bán lại một loại hàng hóa nào đó để lấy lời nhưng việc mua bán hàng hóa đó không hợp pháp, không chính đáng, lén lút. Vậy hành vi “Buôn lậu” là buôn bán hàng cấm hoặc hàng trốn thuế. Xét về mặt ngữ nghĩa, buôn lậu theo nghĩa thông thường chỉ xác định đơn thuần đây là một hành vi buôn bán không chính đáng chứ không đặt ra bất kì tiêu chí cụ thể nào.
Về mặt pháp lý, thuật ngữ buôn lậu chưa thực sự được đề cập trong các văn bản pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, ta có thể hiểu thế nào là buôn lậu thông qua khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: buôn lậu là việc người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các loại tài sản theo luật định.
Như vậy, hành vi buôn lậu về mặt pháp lý không chỉ là buôn lậu hàng hóa mà còn là các loại tài sản khác như tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý,… và phạm vi buôn lậu phải qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại để tiêu thụ mà không thông qua đường chính ngạch là nhập khẩu tại các cửa khẩu Hải quan theo quy định của pháp luật.
Các hình thức buôn lậu
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Có thể thấy buôn lậu có hai hình thức chủ yếu là:
– Buôn lậu hàng hóa qua biên giới giữa các địa phương có chung đường biên giới hoặc giáp đường biên giới với nhau.
– Buôn lậu hàng hóa từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại. Theo Luật Xuất, nhập khẩu thì khu phi thuế quan được hiểu là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Như vậy, khu phi thuế quan được xác định theo biên giới kinh tế, không phải theo biên giới hành chính lãnh thổ. Các khu vực phi thuế quan hiện nay như: Khu chế xuất Tân Thuận tại TP.HCM; Khu chế xuất Linh Trung I, II,…
Xem thêm: Địa chỉ công ty là gì? Các quy định về địa chỉ trụ sở chính công ty 2020
Trách nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu như thế nào?
Mức phạt tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
Mức phạt tội buôn lậu đối với cá nhân
Khung 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
Khung 2: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
– Có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
– Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
– Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
– Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
– Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
Hình phạt bổ sung
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Xem thêm: Tội hiếp dâm bị phạt bao nhiêu năm tù?
Mức phạt tội buôn lậu với pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu thì bị phạt như sau:
– Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng nếu phạm tội mà thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
+ Hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật;
+ Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
– Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định sau:
+ Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
– Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, để hạn chế hành vi này đòi hỏi trách nhiệm rất lớn ý thức của mỗi người dân và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc ban hành văn bản pháp luật, kiểm tra, theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý hành vi trên thực tế. Để từ đó, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi được thực trạng buôn lậu tại Việt Nam.